Phạt khi đăng ảnh con trên mạng xã hội không xin phép: Điều viển vông?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 03/06/2017 13:11 GMT+7

VTV.vn - Với quy định xử phạt hành vi đăng ảnh con trên 7 tuổi trên mạng xã hội mà không xin phép, hiện không ít phụ huynh tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của nó trên thực tế.

Từ ngày 1/6/2017, quyền riêng tư bí mật của trẻ em lần đầu được quy định trong Luật Trẻ em sửa đổi chính thức có hiệu lực. Theo đó, nếu đăng tải, công bố thông tin về trẻ em trên 7 tuổi trên mạng xã hội mà gây ảnh hưởng tới cuộc sống của các em thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo từng mức độ. Các cơ quan chức năng, người lớn, kể cả người thân của các em đều cũng có thể vi phạm quy định này nếu không cẩn trọng.

Trong khi đó, lâu nay, nhiều phụ huynh vẫn thường có thói quen đăng ảnh khoe con lên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo... Việc đưa ra quy định mới lần này khiến không ít phụ huynh thắc mắc, bởi họ cho rằng đây là quyền cá nhân của mỗi người, mỗi gia đình. 

Nhiều câu hỏi cũng được đưa ra như quyền riêng tư bí mật của trẻ em trên mạng có cần thiết? Liệu quy định này có khả thi? Đây cũng chính là những vấn đề được bàn luận trong chương trình Sự kiện & Bình luận với sự tham gia của khách mời - luật sư Nguyễn Văn Tú và Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Ninh Thị Hồng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tú – Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, môi trường mạng Việt Nam hiện là một kho tài nguyên vô cùng dồi dào về thông tin đời tư của trẻ em mà bất kỳ ai có ý đồ xấu đều có thể khai thác, sử dụng vào những mục đích thương mại hay tội phạm hình sự nghiêm trọng như bắt cóc, chiếm đoạt mua bán... Chính vì lẽ đó, việc áp dụng quy định này là hàng rào quan trọng để bảo vệ trẻ em.

Mặc dù vậy, các bậc phụ huynh cũng không nên mang tâm lý quá nặng nề khi áp dụng quy định mới này, bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em - phân tích thêm: "Chúng ta cũng phải chú ý rằng Nhà nước quy định như vậy để bảo vệ các em. Chúng ta cũng nên quen dần với việc các em là con của chúng ta nhưng cũng là công dân của một đất nước".

"Trẻ em là một người phát triển chưa toàn diện. Các em còn nhỏ và là một công dân đặc biệt, cần người lớn, xã hội giúp. Chúng ta có Luật Trẻ em và đã ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vì vậy chúng ta nên tiến tới những điều văn minh của thế giới. Tuy một số bậc phụ huynh và xã hội thấy khó thực hiện và có thể đặt câu hỏi tại sao lại quy định như vậy nhưng đây lại là một điều cần thiết để làm cho cuộc sống của con em mình ngày một tốt hơn".

Trên thực tế, với quy định về đăng tải, công bố thông tin về trẻ em trên 7 tuổi trên mạng xã hội, nhiều bậc phụ huynh còn khá lạ lẫm, thậm chí nhiều người coi đây là điều vẽ vời, bởi họ cho rằng con cái là tài sản của cha mẹ và có quyền quyết định đời sống con cái. 

Luật sư Nguyễn Văn Tú đánh giá, việc phụ huynh có tâm lý trên là điều dễ lý giải, nhất là khi đây là một vấn đề mới, không giống với quan điểm vốn có của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, quan điểm này cũng cần thay đổi nhằm hướng tới bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ từ thế giới mạng. Để làm được điều đó, giải pháp quan trọng mà Nhà nước cần thực hiện là truyền thông sâu rộng tới cả cộng đồng.

"Muốn luật đi vào cuộc sống thì việc truyền thông rất quan trọng. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thấy rằng, truyền thông cần có nhiều hình thức khác nhau và phù hợp", bà Ninh Thị Hồng khẳng định thêm.

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video trên đây.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước