Ảnh minh họa. (Ảnh: Dân trí)
Sau hàng loạt những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em thời gian qua, việc ban hành Luật Trẻ em mới là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật năm 2004.
Sau đây là những điểm mới của Luật Trẻ em sửa đổi 2016:
1) Luật trẻ em 2016 quy định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi.
2) Trước đây, quyền của trẻ em được gói gọn trong 10 điều, thì tại Bộ luật trẻ em 2016, có 25 điều quy định cụ thể về quyền của trẻ em, trong đó bổ sung quyền được bảo vệ khỏi các mối nguy hại, quyền được bày tỏ ý kiến, tiếp cận thông tin và các hoạt động xã hội.
3) Luật Trẻ em quy định các cấp độ bảo vệ trẻ em (bao gồm phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện.
4) Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em
- Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em
- Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em
- Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình
- Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em
- Cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.
Để cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi và hiệu quả, Luật Trẻ em cũng quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!