Không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện nay, nhiều công ty lớn trong ngành chăn nuôi cũng đã bắt đầu sử dụng tới những loại chất cấm độc hại và tình trạng này xuất hiện ở rất nhiều tỉnh thành. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 10/2015, qua kiểm tra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã phát hiện hơn 18% mẫu dương tính với chất cấm ở các trung tâm giết mổ.
Nói về con số này, ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nói: “Nhiều người đã vì đồng tiền mà hủy hoại sức khỏe của người tiêu dùng. Con số này cũng mới chỉ là qua kiểm tra nước tiểu, còn kiểm tra trong thịt và dư lượng chất cấm tồn dư trong xương là chưa có. Tuy nhiên, đây quả thực là một con số đáng báo động”.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, hiện nay, trên cả nước có hơn 30.000 lò giết mổ nhỏ lẻ, khoảng 900 cơ sở giết mổ tập trung, 480 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với số lượng lớn như vậy, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng gặp phải khá nhiều khó khăn vì lực lượng thanh tra khá mỏng.
Trước thực trạng sử dụng tràn lan chất cấm độc hại như hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị sửa đổi luật hình sự trong quy định xử phạt những hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, thay thế những điều khoản chỉ mang tính xử phạt hành chính như trước đây.
Bên cạnh đó, từ nay đến tháng 2/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ liên tục triển khai các đợt kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở cả 63 tỉnh thành phố trên cả nước, trong đó, Bộ sẽ tập trung kiểm tra tại 8 địa phương trọng điểm là: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Tiền Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!