Trong ngày họp đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh G-20 tập trung trao đổi về tăng trưởng và tình hình kinh tế toàn cầu. Một trong những vấn đề cấp thiết nhất được thảo luận là tình trạng tăng trưởng kinh tế chững lại ở một số khu vực, cách thức tìm kiếm các nguồn đầu tư phát triển dài hạn cho nền kinh tế.
Ông Jonathan Todd, người phát ngôn của Liên minh châu Âu cho biết: "Kinh tế châu Âu có tín hiệu đáng mừng là khu vực đồng Euro đã bắt đầu thoát khỏi suy thoái, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng chúng tôi đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng ở khu vực này".
‘ Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Saint Petersburg (Nga) ngày5/9. Ảnh: (Reuters)
Trong bối cảnh tiếp tục có những bất ổn trên các thị trường tài chính, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và sự mất cân đối trên toàn cầu, mục tiêu chính của G-20 hiện nay là kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, ổn định và cân bằng.
Ông Châu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói: "Hầu hết các nước trên thế giới đã đang rất nỗ lực để phục hồi kinh tế từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Điều đó đòi hỏi phải có một động lực toàn cầu".
Với vai trò Chủ tịch G-20, Nga đã nêu những nhiệm vụ gồm kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, chủ yếu thông qua khuyến khích đầu tư dài hạn, đảm bảo lòng tin và sự minh bạch trên thị trường cũng như thúc đẩy các qui định hiệu quả. Các nhà lãnh đạo G-20 cũng sẽ xem xét khuyến cáo của các diễn đàn Kinh doanh 20, Dân sự 20, Lao Động 20, Tư duy 20 và Thanh niên 20 được hình thành theo sáng kiến của Nga trong năm nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên.
Dự kiến, sau hai ngày họp, Hội nghị thượng đỉnh sẽ ra Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G-20 thể hiện quyết tâm hợp tác nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, ổn định và cân bằng.