Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 29/06/2022 20:25 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh biến động về giá cả, xung đột địa chính trị khiến hoạt động thương mại toàn cầu giảm tốc, xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.

Mức tăng trưởng GDP quý 2 năm nay ước tăng 7,72%, cao nhất trong hơn 10 năm. Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Những con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (29/6) cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực...

Với sự bứt tốc mạnh mẽ của quý 2 vừa qua, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%, cao hơn 2 năm liền trước khi nền kinh tế chịu tác động của dịch COVID-19. Điều đó cho thấy xu hướng phục hồi tiếp tục được khẳng định.

Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 1.

Tính chung 6 tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế, với tốc độ tăng trên 9,6%. Đồng thời, khu vực dịch vụ đã có bước phục hồi đáng kể với mức tăng trên 8,5%.

Đặc biệt, trong bối cảnh biến động về giá cả, xung đột địa chính trị khiến hoạt động thương mại toàn cầu giảm tốc, xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tính chung 6 tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Theo các tổ chức quốc tế, đây là điểm sáng của Việt Nam, cho thấy sự phục hồi ấn tượng và tính ổn định trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thay vì sản xuất đơn lẻ, nhiều chủ ao cá, tôm đã chuyển đổi sang mô hình liên kết với các nhà máy, làm sạch, theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó giúp đảm bảo sản lượng lớn, chất lượng cao sang các thị trường khó tính. Điều này cũng lý giải cho sức tăng trưởng gần 41% của thủy sản nửa đầu năm nay vào các thị trường có FTA như: EU, Canada, Australia, Nhật Bản.

"Bộ đã triển khai các vùng nguyên liệu trọng điểm cho chế biến, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản lâm nghiệp chúng ta đều tăng trưởng. Như vậy, nguyên liệu cho chế biến được đảm bảo đủ để chế biến và chế biến sâu cho mục tiêu xuất khẩu đến cuối năm", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

6 tháng đầu năm nay được đánh giá không thuận lợi cho thương mại toàn cầu do biến động giá vật tư, vận chuyển, cân đối chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. Như vậy, việc gần 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cho thấy tính tự chủ trong sản xuất, thích ứng, nắm bắt thị trường của doanh nghiệp.

"Nhiều nước bị đứt gãy chuỗi cung ứng, từ đó gây khó khăn cho nền kinh tế trong nước, nhưng chúng ta đã cố gắng khai thác thế mạnh, với các mặt hàng truyền thống, mở rộng thêm một số bạn hàng mới", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dự báo từ nay hết quý 3, việc đảm bảo cán cân thương mại xuất siêu sẽ rất thách thức khi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu đang chịu ảnh hưởng do lạm phát và suy thoái.

Thách thức còn ở 6 tháng cuối năm, tuy nhiên nửa đầu năm nay, trong bối cảnh nhiều quốc gia cắt giảm chi tiêu, Việt Nam vẫn có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Bức tranh doanh nghiệp nhiều điểm sáng

Sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp là chỉ báo quan trọng của nền kinh tế. Thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua nhiều biến động của dịch bệnh và kinh tế thế giới. Trong 6 tháng qua, tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động lần đầu vượt mốc 100.000 doanh nghiệp. Như vậy, trung bình một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Thời điểm dịch dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp lựa chọn đóng băng hoạt động, nhưng nay hơn 40.000 doanh nghiệp quay trở lại, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Sau quãng thời gian 2 năm dịch liên tiếp, doanh nghiệp như lò xo nén đã bung ra trong thời gian qua. Doanh nghiệp quay trở lại và gia nhập mới đạt con số kỷ lục là minh chứng cho điều này.

"Lần đầu tiên số doanh nghiệp gia nhập và tái nhập thị trường vượt mốc trên 100.000. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Riêng thành lập mới đạt khoảng 76.000, cao hơn so với trước khi đại dịch xảy ra năm 2019", ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định.

Nhìn thấy cơ hội, tin vào chính mình là động lực để doanh nghiệp quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, quy mô của các doanh nghiệp mới có nhỏ đi so với trước cho thấy vẫn có sự thận trọng nhất định với tình hình mới.

Thách thức lạm phát cuối năm

Cơ hội đã được nhìn nhận, nhưng khó khăn cũng không ít bởi mỗi tháng, trung bình có 13,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Một trong những điều đáng lo ngại đó là áp lực lạm phát ngày càng gia tăng.

Xăng dầu bình quân 6 tháng qua tăng trên 51% so với cùng kỳ năm 2021, là tác nhân chủ yếu đẩy chỉ số CPI 6 tháng đầu năm tăng 2,44%. Dù vậy, theo Tổng cục Thống kê, con số này là thành công trong điều hành của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chịu áp lực lạm phát rất lớn.

Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%, Hàn Quốc tăng 4,3%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ ngày càng lớn và tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn tới.

Vẫn ly cà phê đó, vẫn hương vị đó, nhưng hiện đến tay người tiêu dùng giá đã tăng từ 10 - 15%, thậm chí 18% so với giá cũ. Một chuỗi cà phê đã thông báo tăng giá cách đây vài ngày. Những thông báo này ngày càng nhiều ở khắp mọi nơi. Đó là đã tăng và còn nhiều doanh nghiệp đang gắng cầm cự mỗi ngày với áp lực lạm phát.

Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 2.

Áp lực lạm phát đang ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Áp lực lạm phát đã gia tăng từ đầu quý 2, nhưng sẽ càng ngày càng lớn vào cuối năm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của cả xã hội, từ nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.

"Từ giờ đến cuối năm, đặc biệt trong quý 3, chúng tôi đánh giá ảnh hưởng của giá xăng là một trong những yếu tố tác động đến lạm phát. Ngoài ra còn áp lực khác là tăng giá dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, và phục hồi cầu tiêu dùng trong nước tạo thêm áp lực tăng lạm phát", ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, nhận định.

Lạm phát sẽ bào mòn những nỗ lực tăng trưởng, gây khó khăn cho điều hành kinh tế là điều được các chuyên gia nhận định, vì vậy từ nay đến cuối năm phải xác định mục tiêu ưu tiên

"Lạm phát giá sản xuất có dấu hiệu hạ nhiệt với chi phí đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra tăng. Điều này cho thấy nỗ lực điều hành của chính phủ để kiểm soát giá cả trên thị trường nói chung cũng như tác động của các gói hỗ trợ để doanh nghiệp ổn định sản xuất. Tuy nhiên cũng cần thận trọng trong trung và dài hạn khi xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra", bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá.

Kết quả 6 tháng qua đã cho thấy những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế đang phát huy tác dụng, những nỗ lực trong chính sách điều hành của Chính phủ để giảm bớt tác động từ bên ngoài, từ đó tạo đà để ứng phó với những thách thức giai đoạn tới... Tuy nhiên mục tiêu tăng trưởng 6,5% và kiểm soát lạm phát cả năm ở ngưỡng 4% là thách thức không hề nhỏ trong điều hành kinh tế vĩ mô trong 6 tháng còn lại của năm nay.

Xuất nhập khẩu 5 tháng đạt 305 tỷ USD Xuất nhập khẩu 5 tháng đạt 305 tỷ USD

VTV.vn - Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước