Năm 2016, xuất khẩu rau quả đạt hơn 2,45 tỷ USD, năm nay, xuất khẩu có thể đạt kỉ lục mới. Trước đây dầu thô được coi là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta, từ năm ngoái nó đã bị chiếm ngôi bởi rau quả. Vấn đề được đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu ra trong kì họp Quốc hội lần này, thực sự đã đặt ra câu hỏi: Đã đến lúc chúng ta giảm phụ thuộc vào dầu thô và coi rau quả là mặt hàng xuất khẩu chủ lực hay chưa?
Theo biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu rau quả trong 5 năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng hơn 30% mỗi năm, kim ngạch chỉ là gần 900 triệu USD năm 2012, rau quả đã tham gia vào "câu lạc bộ" xuất khẩu tỷ USD, năm nay, thậm chí có thể đạt kỷ lục là 3 tỷ USD, đến năm 2022, có thể tăng lên thành 10 tỷ USD.
Một trong những nguyên nhân thành công có thể chỉ được chỉ ra, chính là sự chủ động của các doanh nghiệp, chủ động trong việc tìm kiếm đối tác, sản xuất và xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường.
Xuất khẩu rau quả tăng cả về chủng loại, số lượng và thị trường. Hiện rau quả Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới. Thị trường được rộng mở cũng là nhờ 16 Hiệp định thương mại tự do đã được kí kết.
Trong hàng chục năm qua, ba Bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đã kết hợp chặt chẽ với nhau để đi đàm phán với các nước. Đồng thời phối hợp các ngành hàng để tổ chức các buổi hội chợ, chào hàng tại nước ngoài. Trong đó những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hay New Zeland và cả EU - là những thị trường phải thực hiện đàm phán rất nhiều lần. Thậm chí với thị trường Australia để đưa được trái thanh long vào đây Việt Nam đã chấp nhận đổi lại nhập trái Cherry của nước Australia.
Và ngay trong tháng 11 này, Bộ Công Thương đang dẫn đoàn doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam sang Hàn Quốc, tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu rau quả qua các kênh phân phối lớn như Lotte hay CJ.
Dù có triển vọng xuất khẩu cao như thế nhưng để đạt bền vững, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo chuyên gia nông nghiệp Vũ Ngọc Khải, việc đầu tiên là tập trung xây dựng thương hiệu.
Việt Nam hiện mới chỉ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một vài sản phẩm rau quả, chính vì thế cần thiết xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm rau quả chủ lực. Khi chưa xây dựng được thương hiệu, Việt Nam phải xuất khẩu qua nước thứ ba với thương hiệu khác, hoặc xuất trực tiếp thì giá trị cũng không cao.
Muốn làm được điều này, doanh nghiệp phải đứng ra làm chủ đạo từ việc đầu tư xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ chế biến bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn. Cùng với đó là cung cấp hỗ trợ vốn, đào tạo quy trình trồng an toàn cho nông dân để tạo thành liên kết bền vững.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!