Xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đạt 46 tỷ USD

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 02/10/2024 11:29 GMT+7

VTV.vn - Mới chỉ qua 3/4 thời gian của năm, nhưng ngành nông nghiệp đã hoàn thành 84% mục tiêu cả năm.

Theo số liệu, đến hết quý III, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 46,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới chỉ qua 3/4 thời gian của năm, nhưng ngành nông nghiệp đã hoàn thành 84% mục tiêu cả năm.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đều có kết quả tích cực. Trong đó, rau quả và cà phê là hai mặt hàng có sức tăng mạnh, với gần 40% so với cùng kỳ.

Về thị trường, Hoa Kỳ vươn lên dẫn đầu với thị phần hơn 21%, Trung Quốc 20% và Nhật Bản 6,6%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam sang ba thị trường này đều tăng từ 10-20%.

Mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả 9 tháng qua đã đạt gần 5,7 tỷ USD. Đây là con số cao kỷ lục, bằng giá trị của cả năm ngoái. Trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng đã thu về 2,5 tỷ USD. Các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Kết quả này có được nhờ việc tích cực mở cửa và thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp trong nước.

Lễ hội trái cây Việt Nam vừa diễn ra lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Gần 30 doanh nghiệp lớn xuất khẩu trái cây vào thị trường này tham gia lễ hội nhằm tìm cơ hội để đẩy nhanh xuất sâu vào hệ thống siêu thị, chợ đầu mối lớn tại phía Bắc Trung Quốc - nơi mà trái cây Thái Lan chiếm ưu thế. Tiềm năng khai thác thị trường Trung Quốc còn rất lớn bởi hiện nay trái cây Việt Nam chủ yếu xuất và tiêu thụ ở các tỉnh thành phía Nam gần kề Việt Nam.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nêu ý kiến: "Chúng ta có thể quảng bá tốt hơn những tên tuổi, hương vị đặc sắc của trái cây Việt Nam đến người dân Trung Quốc và đặc biệt là người dân phía sâu miền Bắc, miền Trung của Trung Quốc- nơi mà người dân có thu nhập cao, thị trường có giá trị cao của Trung Quốc".

Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: "Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương. Làm sao để ổn định về chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng tin dùng các sản phẩm của Việt Nam để khi nghĩ về sầu riêng là người ta nghĩ ngay đến sầu riêng Việt Nam".

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đạt 46 tỷ USD - Ảnh 1.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đều có kết quả tích cực

Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với hơn 65% thị phần. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,8% và 4,5%.

Những con số này sẽ còn tăng cao hơn, nếu việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được giải quyết nhanh và hiệu quả. Đến nay, cả nước mới chỉ cấp được khoảng 708 mã số vùng trồng sầu riêng với gần 24.000 ha, đạt chưa tới 7% tổng diện tích sản xuất. Việc thiếu hụt tấm giấy thông hành quan trọng này sẽ cản trở sự tăng trưởng của cả ngành rau quả.

Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Đòi hỏi vai trò của các tổ chức hội ở địa phương như Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã… cũng tạo điều kiện giúp đỡ người dân trong việc nhân giống, có đủ diện tích cũng như có điều kiện để hoàn thiện về vấn đề đăng ký mã số vùng trồng".

Dự kiến xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay sẽ đạt kim ngạch hơn 7 tỷ USD, trong đó đạt từ 4,5-5 tỷ USD ở thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 15 tỷ USD vào năm 2030.

Thách thức xuất khẩu cuối năm

Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm nay được dự báo sẽ sớm cán đích 55 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức trong những tháng cuối năm vẫn còn đó. Mưa bão, thiên tai đã gây ra những thiệt hại trong thời gian qua, sụt giảm nguồn nguyên liệu hay giá cước tàu biển tiếp tục tăng cao sẽ là những vấn đề cần giải quyết để giữ vững sức tăng trưởng như đã đạt được.

Những ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua đã khiến tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,33%. Hơn 560.000 ha lúa, hoa màu, và cây trồng bị thiệt hại, gây ra sụt giảm nguồn cung, nguy cơ đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Trong khi đó, giá xuất khẩu không dễ điều chỉnh.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhận định: "Lũ lụt sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng cũng như xuất khẩu. Trong ngành nông nghiệp, vào những tháng cuối năm và năm 2024, với tinh thần chỉ đạo của Công điện 100, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao các Cục, Vụ giống thuốc bảo vệ thực vật phân bón quy trình canh tác cho phục hồi".

Cước vận tải biển tăng cao và kéo dài cũng gây ra xáo trộn trong xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đơn hàng giảm, dù có mức giá ổn định.

Ông Nguyễn Văn Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhựt cho biết: "Giá gạo có thể chấp nhận. Tuy nhiên, cộng cước vào nó quá cao, họ rất đắn đo trong việc này và cũng không dám ký số lượng nhiều".

Bà Nguyễn Thị Lý - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thành Công Vina chia sẻ: "Trước, một container chỉ rơi vào tầm 10 USD nhưng bây giờ lên đến 100 USD. Cước tàu như vậy khách cũng bị chựng lại".

Cuối năm là thời điểm nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ nhiều thị trường lớn tăng mạnh. Sớm khôi phục sản xuất, tăng cường thâm nhập vào các thị trường có khoảng cách địa lý gần là ưu tiên của ngành nông nghiệp nước ta để đón cơ hội tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước