Xuất khẩu của Nhật Bản giảm lần đầu tiên sau 10 tháng

Kate Trần-Thứ năm, ngày 17/10/2024 21:10 GMT+7

Ảnh: TL

VTV.vn - Dữ liệu công bố hôm nay, 17/10 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên sau 10 tháng vào tháng 9.

Đây là một mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vì bất kỳ sự suy yếu kéo dài nào về nhu cầu toàn cầu cũng có thể làm cho con đường thoát khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhiều năm của ngân hàng trung ương nước này càng thêm khó khăn.

Thâm hụt thương mại 294,3 tỷ yên

Xuất khẩu của Nhật Bản giảm lần đầu tiên sau 10 tháng - Ảnh 1.

Theo nhiều nhà phân tích, nhu cầu yếu ở Trung Quốc và tăng trưởng chậm lại của Hoa Kỳ đã gây sức ép lên xuất khẩu của Nhật Bản. Trong khi sự phục hồi gần đây của đồng yên, một phần là do Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) bất ngờ tăng lãi suất vào cuối tháng 7, đã góp phần đẩy giá trị của đồng tiền này xuống thấp hơn nữa.

Kazuma Kishikawa, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Daiwa cho biết: "Có khả năng xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng tới do những bất ổn của một số đối tác lớn của Nhật Bản, đặc biệt là của nền kinh tế Trung Quốc. Nhu cầu nội địa của Trung Quốc dường như yếu hơn dự kiến ​​vì các gói kích thích kinh tế của nước này chậm phát huy tác dụng"..

Theo đó, dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo trung bình của thị trường là tăng 0,5% và sau mức tăng 5,5% đã điều chỉnh vào tháng 8.

Đồng thời, dữ liệu cũng cho thấy, xuất khẩu sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đã giảm 7,3% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 2,4%. Được biết, nhu cầu yếu đối với các nhà sản xuất ô tô đã dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu của cả hai nước.

Ở chiều ngược lại, lượng nhập khẩu trong tháng 9 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thị trường dự báo mức tăng là 3,2%.

Ty trọng xuất nhập khẩu như vậy đẫn đến kết quả là Nhật Bản thâm hụt thương mại 294,3 tỷ yên (1,97 tỷ USD) trong tháng 9, so với mức thâm hụt dự báo là 237,6 tỷ yên.

Nhận diện rủi ro để lên kế hoạch tăng lãi suất

Trước thực trạng đó, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nhấn mạnh về những rủi ro bên ngoài như sự bất ổn kinh tế của Hoa Kỳ và cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần dành thời gian xem xét kỹ lưỡng những rủi ro như vậy để xác định thời điểm tăng lãi suất tiếp theo.

Trước đó, BOJ có dự kiến ​​sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 30-31/10, họ vẫn sẽ duy trì dự báo lạm phát ở mức quanh mục tiêu 2% cho đến tháng 3/2027.

Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất kinh tế Nhật Bản đang đối mặt là sản xuất yếu và tiêu dùng cá nhân sụt giảm. Lương công nhân gần như không tăng trong suốt 30 năm qua. Đó là sự bất thường với một nền kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát hàng quý của ngân hàng trung ương đối với các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, các nhà sản xuất vẫn chưa cảm nhận được hoàn toàn tác động tiêu cực từ nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, trong khi tâm lý kinh doanh vẫn tốt và các công ty vẫn duy trì kế hoạch chi tiêu mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản đã chậm lại đáng kể vào tháng 8 khi lượng hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm lần đầu tiên sau 3 năm. Trong khi đó, đơn đặt hàng máy móc cũng bất ngờ giảm vào tháng 7 vừa qua.

Các nhà phân tích nhận định, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp khó khăn vì nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ suy giảm. Trong đó, khi tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đều được dự báo chậm lại trong thời gian tới. Và đây cũng là dữ liệu rất đáng để các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản quan tâm, tính toán trong bài toán lãi suất thời gian tới./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước