Ngoài nỗ lực thông tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng, trong đó có đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội một lần nữa cho thấy chiến lược ưu tiên hàng đầu đột phá về hạ tầng.
Vành đai 3 rất cấp thiết
Trên tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi khẳng định: "Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh rất cấp thiết rồi, nó giống như liều thuốc cấp cứu cho bệnh nhân nguy kịch. Gần 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang đối mặt với tình trạng ách tắc giao thông, dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển quá chật chội. Động lực phát triển giảm dần. Chính vì vậy, tuyến đường này sớm triển khai đưa vào sử dụng sẽ giải quyết những bất cập hiện tại, mà còn tạo ra động lực mới thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển".
Khu vực đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai 3. (Ảnh: NLĐ)
Vành đai 3 là giấc mơ 13 năm của TP Hồ Chí Minh. Tuyến đường này không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, mà còn giúp tăng tính kết nối liên vùng.
Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chiến lược với vùng Đông Nam Bộ nhưng trong suốt thời gian dài chỉ dựa vào Quốc lộ 1. Hệ thống giao thông thủy cũng không được khai thác tối đa lợi thế. Đặc biệt, yếu tố quyết định kết nối là đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đã được đề xuất từ rất lâu nhưng chưa thể triển khai. Hiện nay, dự án đường Vành đai 3 được "kích hoạt" trở lại với sự nhìn nhận là một dự án cấp thiết đang được các địa phương đặt nhiều kỳ vọng.
Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân về nguồn vốn đầu tư, mặt bằng thi công liên quan nhiều địa phương, kể cả sự thiếu quyết tâm của các cấp, các ngành và chính quyền sở tại… nên dự án kéo dài.
Kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Dẫn câu chuyện của một doanh nghiệp khi làm phép so sánh giữa việc chở hàng từ cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Tây Ninh còn tốn kém hơn chở từ Trung Quốc về TP Hồ Chí Minh, báo Nhân dân bình luận: "Việc đầu tư đường Vành đai 3 đã rất cấp thiết, chậm ngày nào thiệt hại thêm ngày đó. Xây dựng đường Vành đai 3 chính là hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều lợi ích khác do dự án mang lại chưa thể lượng hóa được như: tăng hiệu quả sử dụng đất đai; hiệu quả về thay đổi cơ cấu xã hội, dân cư; hiệu quả về chính trị, quản lý hành chính; nâng cao năng lực vận tải; cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực…".
Không chỉ TP Hồ Chí Minh, cả 3 địa phương có tuyến đường này đi qua gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng đã sẵn sàng, chỉ chờ Quốc hội đồng ý chủ trương là lập tức bắt tay vào triển khai dự án.
Dốc nguồn lực xây đại dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô
Tương tự, với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô cũng không thể chậm thêm nữa.
Theo báo Đầu tư, quyết tâm xây dựng sớm tuyến đường này có thể nhận thấy trong tờ trình của Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Phối cảnh một đoạn Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Kỳ vọng đường vành đai
Còn theo báo Thanh niên, tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã chờ đợi hơn 10 năm kể từ khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch. Tuyến đường này khi được đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm kết nối các địa phương lân cận và Hà Nội.
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu trước năm 2027 phải hoàn thành xong dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô cho thấy, đây là dự án quan trọng tầm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược.
Sức nóng tạo đột phá trong chiến lược đầu tư về hạ tầng giao thông cũng được thể hiện rõ trong sự quyết liệt, thần tốc chuẩn bị hồ sơ đầu tư, xây dựng kế hoạch nguồn vốn và phương án triển khai dự án của các địa phương.
Hình ảnh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đi thực địa, khảo sát trên từng tuyến đường ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đặc biệt, gần một năm qua, Thủ tướng, các phó thủ tướng đã có nhiều chuyến công tác tới khắp các công trường, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng lớn cho thấy một quyết tâm, hành động quyết liệt, hiệu quả và làm có trọng tâm, trọng điểm.
Đột phá tư duy để có đột phá hạ tầng
Sắp tới, nếu Quốc hội xem xét và thông qua chủ trương đầu tư các dự án sẽ đáp ứng sự mong mỏi của người dân, cử tri các tỉnh miền Trung, miền Nam. Tuy nhiên, việc ủng hộ của các đại biểu Quốc hội mới là bước khởi đầu cho sự ủng hộ chiến lược đầu tư đột phá về hạ tầng.
Sự ủng hộ này sẽ đặt vai trò lớn của các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai dự án sao cho đảm bảo đúng tiến độ đề ra, muốn vậy cần một sự quyết tâm, sự đổi mới trong tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, đôn đốc, giám sát, kiểm tra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!