Tại nhiều nước phát triển, gần như 100% thịt tiêu dùng là thịt mát, tức thịt được làm lạnh ngay sau khi giết mổ. Cách làm này giúp kìm hãm sự phát triển của hầu hết các vi khuẩn gây hại.
Để đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, hiện trong nước đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất thịt bò mát theo tiêu chuẩn của Australia. Bước đầu những sản phẩm này đã thu hút được một bộ phận người tiêu dùng. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, việc phân biệt thịt bò mát và thịt bò ấm đang gây nhiều nhầm lẫn, từ đó thị phần còn rất hạn chế.
Hiện mỗi kg thịt bò mát có giá trung bình từ 280.000 - 450.000 đồng/kg, cao hơn thịt bò ấm khoảng 10% - 15%. Dù giá đắt hơn, nhưng vẫn có người tiêu dùng lựa chọn.
Thịt bò mát đã được phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Dân trí)
Thế nhưng, điều mà người tiêu dùng băn khoăn nhất hiện nay đó là trên bao bì của thịt bò được sản xuất theo công nghệ mát không ghi rõ ràng đây là thịt bò mát, khiến họ khó phân biệt với những loại thịt bò đóng khay khác. Điều này khiến nhiều cửa hàng, nhân viên phải túc trực tại quầy để tư vấn cho khách hàng. Bởi nếu không, người tiêu dùng sẽ rất khó phân biệt đâu là thịt bò mát, đâu là thịt bò ấm được bảo quản mát, hay đâu là thịt bò nhập khẩu được rã đông và bảo quản mát.
Từ năm 2018, Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về thịt lợn mát, còn tiêu chuẩn quốc gia về thịt trâu, bò mát hiện vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến dự thảo. Do chưa có tiêu chuẩn quốc gia nên việc đăng ký sản phẩm và ghi nhãn rất khó khăn. Điều này khiến doanh nghiệp không chỉ khó mở rộng thị phần tiêu thụ trong nước, mà việc xuất khẩu cũng bị đóng băng.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện tỷ lệ thiêu thụ thịt trâu, bò trên thế giới là khoảng 25% - 30%, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 6% - 7%. Đây là dư địa rất lớn để Việt Nam phát triển thị trường thịt bò, trâu mát.
Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện dự thảo xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho thịt trâu, bò mát. (Ảnh minh họa)
Hiện Việt Nam có 3 doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ của Australia để sản xuất thịt bò mát có công suất từ 300 - 500 con/ngày, nhưng chưa đăng ký được nhãn hiệu.
Mặc dù trên thế giới tiêu chuẩn về thịt trâu bò mát đã có từ lâu, song không phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Do đó, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện dự thảo xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho thịt trâu, bò mát, dự kiến cuối quý III năm nay sẽ ban hành. Chế biến thịt trâu, bò mát là mục tiêu hướng đến một nền kinh doanh minh bạch trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, tiêu chuẩn quốc gia về thịt trâu, bò mát sẽ góp phần nâng tầm ngành công nghiệp giết mổ và chế biến thịt tại Việt Nam, cũng như hướng đến thị trường xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!