World Bank: Kinh tế toàn cầu giảm tốc năm thứ 3 liên tiếp

VTV Digital-Thứ tư, ngày 10/01/2024 15:45 GMT+7

VTV.vn - Ngày 9/1, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất.

Theo đó, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2024 - tiếp tục chậm lại so với năm ngoái, đồng thời đánh dấu chuỗi 5 năm tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 3 thập kỷ. Bên cạnh đó, World Bank cũng đưa ra nhiều dự báo và phân tích đáng chú ý về những xu thế kinh tế của năm nay.

Báo cáo của World Bank cho rằng, kinh tế toàn cầu hiện đang tốt hơn so với một năm trước, với nguy cơ suy thoái đã phần nào hạ nhiệt - phần lớn nhờ sự hồi phục của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể tạo ra những mối đe dọa mới trong ngắn hạn.

Nói về lạm phát, mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế lúc này, đại diện World Bank cho rằng cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu đang có những dấu hiệu khả quan.

Ông Ayhan Kose - Phó chuyên gia kinh tế trưởng tại World Bank nhận định: "Các quốc gia đã thành công đưa lạm phát đi xuống, mà vẫn tránh được nguy cơ khủng hoảng tài chính lớn. Bất chấp cả việc lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn đang ở mức cao kỉ lục. Dự báo mà chúng tôi đưa ra đó là vào cuối năm nay, lạm phát toàn cầu sẽ về được mức 3%. Nhưng kể cả con số lạm phát 3% vẫn là vượt quá mức mục tiêu của nhiều nền kinh tế. Nên chúng tôi cho rằng lãi suất vẫn sẽ được giữ ở mức cao trong tương lai gần".

Chi phí đi vay đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế có xếp hạng tín nhiệm kém có thể tiếp tục ở mức cao do lãi suất toàn cầu vẫn neo ở các ngưỡng đỉnh của 4 thập kỷ.

World Bank: Kinh tế toàn cầu giảm tốc năm thứ 3 liên tiếp - Ảnh 1.

Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2024. (Ảnh minh họa - Ảnh: Xinhua).

Theo ông Ayhan Kose, điều này có nghĩa là giá cả các mặt hàng sản phẩm cũng chưa thể giảm ngay được. Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo nhất đối mặt với các vấn đề về nợ và thách thức trong việc tiếp cận thực phẩm của gần 1/3 dân số.

Các phân tích của World Bank, dựa trên kinh nghiệm của 35 nền kinh tế phát triển và 69 nền kinh tế đang phát triển trong 70 năm qua, cho thấy các nền kinh tế đang phát triển thường gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế khi họ nâng tốc độ tăng trưởng đầu tư bình quân đầu người lên ít nhất 4% và duy trì tốc độ này trong sáu năm trở lên.

Ông Ayhan Kose - Phó chuyên gia kinh tế trưởng tại World Bank cho biết: "Để thúc đẩy đầu tư, các nền kinh tế đang phát triển cần thực hiện các gói chính sách toàn diện để cải thiện khuôn khổ tài chính và tiền tệ, mở rộng thương mại và dòng chảy tài chính xuyên biên giới, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường chất lượng thể chế. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng trong quá khứ có nhiều nền kinh tế đang phát triển đã làm được".

Riêng về khu vực châu Á, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của World Bank dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) sẽ giảm xuống lần lượt các mức 4,5% và 4,4% vào các năm 2024 và 2025, từ mức 5,1% của năm 2023 do chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc. World Bank dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt 5,5% và 6% trong các năm 2024 và 2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước