WB dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại

Đức Lam - Hải Thanh-Thứ năm, ngày 07/05/2020 18:08 GMT+7

Hình minh họa.

VTV.vn - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nêu những tín hiệu để dự đoán kinh tế Việt Nam có thể sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại sau dịch COVID-19.

Theo tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trước đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có những hành động chống dịch nhanh chóng và quyết liệt trong quý I/2020; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội trên toàn quốc trong tháng 4 nên tác động, ảnh hưởng tới nền kinh tế, làm suy giảm hầu hết các chỉ số kinh tế chủ đạo như kinh doanh bán lẻ, xuất nhập khẩu hàng hóa và các hoạt động dịch vụ, sản xuất chế biến, chế tạo...

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam. Bằng chứng là đã có hơn 12 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư được thu hút riêng trong 4 tháng đầu năm 2020.

Thêm nữa, Chính phủ Việt Nam cũng đã dần nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc nhằm tái khởi động các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực kinh tế. Đó chính là những tín hiệu để dự đoán kinh tế Việt Nam có thể sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại trong nay mai.

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng tín dụng ở khối các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã đảo chiều và tăng lên trong tháng 3, sau khi chững lại trong 2 tháng đầu năm 2020. Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 3 là 1,3% so với đầu năm - tương đương mức tăng khoảng 11% so cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện gói các biện pháp hỗ trợ từ đầu tháng 3 năm nay nhằm cho phép các ngân hàng tái cơ cấu vốn vay và giảm lãi suất cho người vay. Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc hỗ trợ tăng thanh khoản cho một số ngân hàng thương mại thông qua việc nâng hạn mức tín dụng, cho phép những ngân hàng này tăng các khoản vay cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính.

Về tình hình thực hiện ngân sách trong quý đầu năm 2020, WB cũng dự báo rằng đã có xu hướng giảm thu và tăng chi ngân sách trong những tháng còn lại của năm nay. Dẫn nguồn từ Bộ Tài chính, ước thực hiện thu ngân sách trong quý đầu năm 2020 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh hiệu quả thu ngân sách tốt hơn trong hai tháng đầu trước khi hoạt động kinh tế bị chững lại và kết quả thực hiện giãn nộp thuế có hiệu lực đầy đủ trong tháng 4/2020.

Trong quý I/2020, tổng chi ngân sách cũng tăng 8,7% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5% trong giai đoạn này. Mức tăng này được lý giải là do Chính phủ mong muốn đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.

Mặc dù chưa có ước tính chính thức, nhưng WB cho rằng, cán cân thu nhập và thương mại dịch vụ (các thành phần còn lại trong tài khoản vãng lai của quốc gia) chắc chắn sẽ suy giảm mạnh, do Việt Nam gần như dừng đón khách du lịch nước ngoài (lượng khách giảm 98% trong tháng 4/2020 so với năm trước) và dự kiến kiều hối cũng giảm mạnh.

Mặc dù, trong 4 tháng đầu năm 2020, cam kết vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước, song đáng ngạc nhiên là giá trị vốn FDI cam kết đã tăng trở lại trong tháng 4 khoảng 81% so với tháng 3 trước đó và tăng hơn 62% so với tháng 4 năm ngoái.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng, Tổ chức Fitch Ratings (Cơ quan xếp hạng tín dụng tương tự như Moody's hay Standard & Poor's) đã điều chỉnh triển vọng của Việt Nam từ mức "Tích cực" sang mức "Ổn định"; đồng thời, giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB. Điều này cho thấy tác động leo thang của đại dịch COVID-19 với nền kinh tế Việt Nam trong các lĩnh vực xuất khẩu và du lịch, cũng như sức cầu trong nước vẫn còn đang rất yếu.

Xếp hạng của Fitch cũng khẳng định, viễn cảnh tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ Chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước