Theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ tại TP Hồ Chí Minh, nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ, dịch vụ, thủy sản đều ghi nhận mức sụt giảm trong doanh thu, đơn hàng. Trong khi một số chuyển đổi hình thức kinh doanh, tiết giảm chi phí thì có doanh nghiệp khó duy trì sản xuất kinh doanh do khó trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Trong khi ngân hàng thương mại lại đang thừa vốn, phần lớn các doanh nghiệp chưa mặn mà vay do nhiều nguyên nhân, trong đó các ngân hàng cũng thận trọng trong việc xét duyệt hồ sơ vay vốn. Hơn nữa, chỉ khi sức mua tăng, giảm được hàng tồn kho, doanh nghiệp mới cần vốn để sản xuất.
Nguyên tắc nới lỏng sẽ là không để "đồng tiền dễ dãi", giảm lãi suất cũng không phải "liều thuốc vạn năng". Mặc dù đây là liều thuốc rất quan trọng đối với sức khỏe doanh nghiệp, song cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu, tờ Đầu tư bình luận.
Trong khi ngân hàng thương mại lại đang thừa vốn, phần lớn các doanh nghiệp chưa mặn mà vay. Ảnh minh họa.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ "cứu" doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng. Chia sẻ trên báo Tiền phong, ông đưa ra một số giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), các chính sách giãn hoãn nộp thuế, phí, tiền thuê đất; giảm 2% VAT; xem xét chuyển phần còn lại của chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ Phát triển nhà ở xã hội; Cchú trọng các động lực tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng nội địa; gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp...
Bên cạnh đó là tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với phân phối, lưu thông để bù đắp nguồn hàng còn thiếu, nhất là nguyên liệu. Đồng thời, liên kết cũng là giải pháp để đưa hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông hiệu quả hơn, giảm chi phí trung gian, thông tin trên báo Công Thương.
Lại nóng chuyện tín dụng bất động sản
Câu chuyện tín dụng cho bất động sản cũng đang là chủ đề nóng khi Thông tư 06 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây. Theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư này nhằm kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích, giảm các rủi ro về xử lý tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, Khoản 2, Điều 1 của Thông tư 06 như "dựng thêm rào chắn" khiến việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn trước đây. Trong khi, nhiều doanh nghiệp bày tỏ, họ không kỳ vọng có thêm cơ chế đặc thù cho bất động sản, mà chỉ mong các điều kiện không bị siết chặt thêm, để có thể tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho thị trường.
Nhắc đến tín dụng bất động sản không thể không nhắc đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội. Theo Bộ Xây dựng, đến giữa tháng 7, có 37 dự án với tổng mức đầu tư trên 42.460 tỷ đồng, đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Với số dự án đủ điều kiện vay và công tác giải ngân bắt đầu được thực hiện, có thể thấy những tín hiệu khởi sắc đối với phân khúc nhà ở này.
Khởi sắc nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, đến giữa tháng 7, có 37 dự án với tổng mức đầu tư trên 42.460 tỷ đồng, đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
"Khởi sắc" cũng là tiêu đề bài viết trên báo Đại đoàn kết, đặc biệt là khi Chính phủ đang có những động thái ưu tiên phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa kỳ vọng, trong quá trình phát triển nhà ở xã hội cũng cần hoàn thiện thêm cơ chế chính sách để loại hình bất động sản này phát triển bền vững, ổn định.
Điều quan trọng là phải giản lược các quy trình thủ tục, gỡ nhanh các điểm vướng ở từng quy trình, lúc đó chắc chắn doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia làm nhà ở xã hội.
Với Nghị quyết số 98, UBND TP Hồ Chí Minh mới đây đã giao các sở ngành nghiên cứu cơ chế đặc thù nhằm phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, giao việc cho từng cơ quan căn cứ trên chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng quy trình, tạo thuận lợi tối đa cho các bên tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Dòng vốn tín dụng sẵn sàng, ngân hàng có nhu cầu cho vay. Vậy điều cần làm là doanh nghiệp phải thực sự tạo được niềm tin và uy tín đối với ngân hàng như xây dựng dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền, có định hướng chiến lược rõ ràng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!