Tỷ giá tăng trở lại trong ngắn hạn đang có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến tâm lý nhà đầu tư
Tiếp nối xu hướng giằng co thường thấy trong giai đoạn này, chỉ số VN-Index sáng nay dao động trong biên độ hẹp và kết phiên ở mức giảm chỉ hơn 1 điểm so với tham chiếu. Dòng tiền vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu bluechips, với nhiều mã trong nhóm này có mức tăng/giảm đáng chú ý.
Ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, sáng nay cổ phiếu EIB dẫn đầu về thanh khoản trong nhóm ngân hàng và tăng hơn 3% thị giá vốn. Phần còn lại trong nhóm này giao dịch khá phân hóa với TPB và MBB đi ngang, MSB tăng nhẹ còn SHB giảm nhẹ.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III vẫn đang diễn ra sôi động và theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm ngành tiềm năng với dự báo tăng trưởng quý III đạt hơn 8% so với quý trước. Báo cáo 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á SeABank thông báo, lợi nhuận trước thuế đạt 4.508 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.
Nhờ duy trì quản trị rủi ro hiệu quả với tỷ lệ an toàn vốn cao, Ngân hàng cũng có kết quả kinh doanh tích cực. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng ấn tượng 24%, chiếm 13,4% huy động từ tiền gửi của khách hàng. Ngoài ra, nhờ đầu tư mạnh vào chuyển đổi số đã giúp ngân hàng có thêm gần 430.000 khách hàng mở mới và tối ưu chi phí, giảm hơn 32% tỷ lệ chi phí trên thu nhập.
Tương tự nhóm ngân hàng, nhiều nhóm ngành khác trên thị trường như vật liệu cơ bản, tiêu dùng, chứng khoán cũng chứng kiến sự phân hóa. Dù vậy, nhóm bất động sản lại thu hút dòng tiền khi nhiều mã trong nhóm này có mức tăng tốt, như DXG tăng hơn 1,5%, HDC tăng 4,5% hay QCG tăng hơn 6%.
Sáng nay, khối ngoại bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp, đạt giá trị khoảng 105 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng nhiều nhất KDH hay FRT, mua ròng nhiều nhất là MWG hay TCB.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, chỉ số VN-Index giảm 1,53 điểm xuống 1278,24 điểm. Giá trị giao dịch đạt hơn 7.000 tỷ đồng với hơn 300 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 0,38 điểm xuống 227,05 điểm. Giao dịch đạt giá trị hơn 450 tỷ đồng.
Hôm nay khối ngoại đã bán ròng 222 tỷ đồng trên toàn thị trường, đây cũng là phiên bán ròng thứ 8 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 137 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND và KDH bị bán ròng nhiều nhất, lần lượt là 100 tỷ đồng và 69 tỷ đồng. Tiếp đến, HPG và VCI cũng bị khối ngoại bán ròng lần lượt là 51 tỷ đồng và 47 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 86 tỷ đồng trên HNX, trong khi chỉ mua ròng 1 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/10, VN-Index giảm 9,88 điểm xuống 1.269,89 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 794 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 19.090,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 269 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,93 điểm xuống 225,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 59,8 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.517 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng giá, 93 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,41 điểm xuống 91,73 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 42,3 triệu đơn vị xuống 547,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 118 mã tăng giá, 143 mã giảm giá và 105 mã đứng giá.
Rổ cổ phiếu VN30 có tới 23 mã giảm giá, trong khi chỉ có 5 mã tăng giá, 2 mã đứng giá. Các mã giảm mạnh như GVR giảm 4,12%, VRE giảm 2,62%, VIB giảm 2,34%, BCM giảm 2,26%, POW giảm 2,01%. Các mã ACB, BVH, CTG, FPT, BID, MBB, MSN, SAB, TPB, VJC đều giảm hơn 1%.
Các cổ phiếu chứng khoán cũng ngập trong sắc đỏ. Theo đó, HCM, SHS, FTS, CTS, VDS cùng giảm trên 2%. VCI, SSI, VDS giảm nhẹ hơn 1%.
Nhóm nguyên vật liệu, năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông cũng ở chiều giảm giá.
Tỷ giá tăng trở lại trong ngắn hạn đang có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang thử thách vùng 1.300 điểm – khu vực đỉnh của năm.
Thống kê cho thấy, mỗi khi tỷ giá tăng vượt quá 2% thì thị trường chứng khoán thường xảy ra nhịp điều chỉnh. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, tâm lý thị trường thận trọng, thị trường chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn.
Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), tỷ giá USD/VND chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài thời gian hạ lãi suất hơn so với dự kiến. Chỉ số USD-Index (DXY) đã tăng lên mức 103, cao nhất trong 4 tuần qua, tạo áp lực lên tỷ giá tại các thị trường mới nổi; trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy sự ổn định, tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD. Tại Việt Nam, yếu tố mùa vụ cũng góp phần vào sự tăng cao của tỷ giá, khi nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh trong dịp cuối năm để phục vụ mùa lễ Noen và năm mới. Bên cạnh đó, nhu cầu USD gần đây cũng gia tăng do các doanh nghiệp cần hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế.
Ông Sơn cho rằng, phần lớn sự tăng của tỷ giá trong thời gian qua là do yếu tố mùa vụ. Trong thời gian tới, xu hướng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn được duy trì và đồng USD có khả năng chững lại hoặc giảm nhẹ.
Sau tháng 10, nhu cầu USD dự kiến sẽ giảm, giúp tỷ giá bình ổn hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng đang thực hiện các biện pháp hút bớt tiền, điều này có thể giúp kiềm chế đà tăng của tỷ giá trong thời gian tới.
Tỷ giá tăng cao đã tác động ngay lập tức đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán. Khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái rút ròng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền qua kênh tín phiếu cũng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán, ông Sơn nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!