Việt Nam nắm bắt cơ hội xuất khẩu toàn cầu qua thương mại điện tử

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 01/11/2024 20:52 GMT+7

VTV.vn - Việc mở rộng kinh doanh qua TMĐT xuyên biên giới là cách giúp cho các doanh nghiệp nội địa tăng quy mô sản xuất và tăng trưởng doanh thu.

B2C là mô hình kinh doanh mà trong đó, doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Theo báo cáo mới nhất của Access Partnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam năm 2023 đạt 86.000 tỷ đồng.

Có đến 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng, họ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử. Việc mở rộng kinh doanh qua thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là cách giúp cho các doanh nghiệp nội địa tăng quy mô sản xuất và tăng trưởng doanh thu.

Trước đây, để các mặt hàng Việt Nam có thể xuất hiện trên các kệ hàng tại thị trường quốc tế là một điều không hề đơn giản, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giờ đây, dòng chữ "Made in Vietnam" đã có thể bay xa đến nhiều nơi trên thế giới nhờ thương mại điện tử.

Các mặt hàng đồ thủ công mỹ nghệ được Công ty Đông Dương sản xuất và bán ra nước ngoài thông qua thương mại điện tử trong gần 10 năm. Hai năm đầu, doanh thu bán hàng tăng khoảng 50% và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định cho đến nay. Theo chủ doanh nghiệp, để xuất khẩu thành công, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí từ thị trường quốc tế.

Bà Hoàng Thanh Tâm - Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết: "Khi chúng tôi bán hàng cho thị trường Mỹ, chúng tôi phải tìm hiểu các yêu cầu nhập khẩu với các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam vào Mỹ như thế nào, thuế suất nhập khẩu ra sao và chính sách vận chuyển, thanh toán của khách hàng như thế nào".

Việt Nam nắm bắt cơ hội xuất khẩu toàn cầu qua thương mại điện tử - Ảnh 1.

Dự báo đến năm 2026, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20%

Còn với Tập đoàn Sunhouse sản xuất hàng gia dụng, để xuất khẩu, họ đã phải đầu tư lớn cho cả sản xuất, thương hiệu và logistic. Sau ba năm, tăng trưởng qua thương mại điện tử xuyên biên giới có những giai đoạn đạt trên 100%.

Ông Lê Tùng - Giám đốc chiến lược và Marketing Tập đoàn Sunhouse chia sẻ: "Đầu tiên phải đảm bảo được chất lượng và giá thành tương ứng với các nước đang sản xuất, có ưu thế về sản xuất. Và yếu tố thứ hai sau khi có tiêu chuẩn đó thì chi phí sản xuất như thế nào để chúng ta đáp ứng được, cạnh tranh được với các ông lớn trên thị trường".

Theo thống kê trên Amazon, 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm đã tăng gấp 10 lần. Số lượng sản phẩm bán ra tăng 300%, tăng trưởng cao nhất ở các mặt hàng về sức khoẻ và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp.

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nêu ý kiến: "Các đối tác Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với những người bán khác ở Đông Nam Á. Họ rất chủ động, tích cực tham gia vào các nền tảng kinh doanh trực tuyến. Việt Nam cũng là một quốc gia mạnh về xuất khẩu. Nhiều quốc gia tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang xây dựng trung tâm sản xuất tại đây".

Bà Cao Cẩm Linh - Uỷ viên BCH Hiệp hội phát triển nhân lực logistic Việt Nam nhận định: "Nếu như có một doanh nghiệp đã tốt ở tại Việt Nam đã có thể bán được hàng thương mại điện tử trên sàn quốc tế thì chúng ta có thể tạo ra được những cộng đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp tương tự cùng ngành hoặc liên ngành".

Giai đoạn 2022-2025, thương mại điện tử xuyên biên giới ước tính tăng trưởng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thông thường. Dự báo đến năm 2026, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20%. Những tín hiệu tích cực này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để có thể nắm bắt tốt cơ hội xuất khẩu toàn cầu qua thương mại điện tử.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước