Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 10/01/2024 06:15 GMT+7

VTV.vn - Từ 1/1/2024, doanh nghiệp Việt Nam phải thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Lần đầu tiên doanh nghiệp Việt thực thi trách nhiệm này sẽ còn nhiều bỡ ngỡ.

Từ ngày 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, và bao bì (thương phẩm) phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỉ lệ và quy cách bắt buộc. Đây là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, (EPR) tại Việt Nam theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó tỉ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với ngành săm lốp là 5%, ắc quy là 8%-12%, đối với nhóm bao bì, tùy từng loại từ 10%-22%. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn một trong hai phương thức thực hiện trách nhiệm tái chế: Một là tự tố chức tái chế (tự mình tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền cho một bên khác tổ chức tái chế), hai là nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Tuy nhiên, quy định tái chế áp dụng với các nhà sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, dịch vụ và giá trị nhập khẩu của năm trước lần lượt trên 30 tỷ và 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải chịu quy định này. Riêng ngành điện, điện tử, theo lộ trình, sẽ thực hiện tái chế bắt buộc từ ngày 1/1/2025. Lĩnh vực ô tô và xe máy phải tái chế từ năm 2027.

Doanh nghiệp phải tái chế bao bì, nhớt thải

Để chuẩn bị cho mốc thời gian 1/1/2024, thời gian thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhiều hoạt động chuẩn bị đã được triển khai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các bộ, ngành có liên quan hoàn thành các quy định, thiết chế liên quan như: Thành lập Hội đồng, Văn phòng EPR quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì, xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế. Còn về phía người thực thi, một số nhà sản xuất và nhà tái chế có sự chuẩn bị, đã sẵn sàng tham gia quy định này.

Chuyên thu gom lốp xe phế thải: nghiền, tách thép, vải, cao su, cung cấp cho nhà sản xuất bê tông nhẹ, sản xuất gạch cao su, sân chơi trẻ em, công ty TNHH Tái chế cao su Long Long, Hà Nội dự kiến sẽ mở rộng sản xuất để đón đầu quy định thực thi EPR.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Tái chế cao su Long Long, Hà Nội, cho biết: "Hiện nay chúng tôi đang tái chế khoảng 14.000 tấn, chúng tôi hoàn toàn có khả năng tăng gấp đôi công suất. Sau khi quy định ra đời, chúng tôi hy vọng nguồn đầu vào sẽ dồi dào hơn".

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông Đối ngoại và Phát triển bền vững Unilever Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi cải thiện bao bì để tăng khả năng tái chế của bao bì (đạt 63% bao bì có thể tái chế), giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, vừa thúc đẩy kinh tê tuần hoàn, vừa giải quyết đầu ra, phát triển công nghiệp tái chế.

Tuy nhiên, thực tế còn lượng lớn doanh nghiệp chưa biết nhiều về trách nhiệm tái chế của mình.

Bà Chu Thị Kim Thanh,Giám đốc Vận hành, Công ty cổ phần Tái chế Bao bì PRO Việt Nam nói: "Cũng có một số doanh nghiệp muốn tham gia vào là thành viên của liên minh và khi liên lạc với chúng tôi với tâm thế là muốn góp một phần nào đó cái đóng góp của họ cho Việt Nam xanh sạch đẹp chứ không hề biết gì về EPR.

Để triển khai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng cổng thông tin điện tử quốc gia. Nhà sản xuất có thể tự kê khai, và lựa chọn hình thức thực hiện tái chế.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, sẽ có thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Đối với nhà tái chế phải có kê khai báo cáo trung thực để nhận hỗ trợ. Chúng tôi sẽ có thành tra, kiểm tra, đưa ra qui định để kiểm soát đảm bảo tiền này được sử dụng công khai, minh bạch, đúng mục đích".

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có một nền tảng tốt, toàn diện, cung cấp một lộ trình rõ ràng cho những năm thực thi trách nhiệm tái chế. Tuy nhiên, các quy định này cần được giám sát và đánh giá liên tục để có thể điều chỉnh, tạo cơ hội cho thực hiện quy định trách nhiệm tái chế thành công.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một chính sách được đánh giá cao để bảo vệ môi trường của Việt Nam. Đây là khái niệm lần đầu tiên được quy định và Luật hóa. Chính bởi vậy khi thực thi sẽ còn nhiều những bỡ ngỡ. Tuy nhiên, trong xu thế tất yếu về kinh tế tuần hoàn, việc thực thi trách nhiệm tái chế này của các bên là cần thiết và khó có thể đảo ngược. Vấn đề ở đây là những bước triển khai cần điều chỉnh phù hợp và kịp thời.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 9/1 với khách mời là bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trưởng Chương trình Chính sách Môi trường, e-Policy sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước