Việt Nam được dự báo là một trong các nền kinh tế tăng trưởng cao

Minh Quang-Chủ nhật, ngày 11/06/2023 11:38 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế Việt Nam tiếp tục được các thể chế tài chính quốc tế đánh giá có nhiều điểm tích cực, dự kiến là một trong các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trong năm nay.

Dù vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhất là các tác nhân bên ngoài, nhưng nền kinh tế vẫn có nhiều động lực tăng trưởng, đây là nhận định của báo chí, chuyên gia quốc tế tuần qua.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay và 6,2% trong năm sau, là một trong những nền kinh tế được dự báo có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực và thế giới.

Trang Tân Hoa Xã cho biết, tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm ở mức 3,55%, thấp hơn mức 3,84% cùng kỳ năm trước; giúp thúc đẩy Việt Nam cắt giảm lãi suất, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

"Lượng khách du lịch phục hồi đang giúp hỗ trợ lĩnh vực tiêu dùng, doanh số bán lẻ ổn định, lạm phát tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Chính phủ Việt Nam cũng rất tích cực đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế như tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, duy trì tính cạnh tranh để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ như cắt giảm thuế VAT, hoãn một số loại thuế, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất", ông Brian Lee Shun Rong, chuyên gia kinh tế vĩ mô, Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore, đánh giá.

Việt Nam được dự báo là một trong các nền kinh tế tăng trưởng cao - Ảnh 1.

Dù vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhất là các tác nhân bên ngoài, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều động lực tăng trưởng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt thách thức khi xuất khẩu giảm do nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Trang Nikkei cho biết, xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm 11,6% so với cùng kỳ do xuất khẩu điện thoại thông minh giảm.

Trang The Star trích dẫn báo cáo của S&P Global cho viết số lượng các đơn đặt hàng mới ở Việt Nam đã giảm do các công ty cắt giảm việc làm, giảm mua hàng.

"Việt Nam được thiết lập để trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao quan trọng trong ASEAN. Ngoài lực lượng lao động đông đảo, có trình độ học vấn và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam còn được hưởng lợi từ mạng lưới FTA rộng khắp. Điều này sẽ có lợi cho sản xuất và thương mại, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam", bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận định.

Về tổng thể, trang Eurasia Review nêu ra 3 yếu tố trong con đường thành công của Việt Nam là tự do hóa tương mại, giá lao động rẻ và Chính phủ đầu tư lớn về con người, cơ sở vật chất.

Kinh tế Việt Nam tăng sức chống chịu từ thách thức bên ngoài Kinh tế Việt Nam tăng sức chống chịu từ thách thức bên ngoài

VTV.vn - Kinh tế Việt Nam tăng khả năng chống chịu trước những cơn gió ngược nhờ những chính sách cụ thể và quyết liệt được Chính phủ ban hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước