Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong khu vực

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 29/12/2023 20:30 GMT+7

VTV.vn - Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Con số này dù thấp hơn mục tiêu 6,5%, nhưng cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới và là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm.

Phải nói rằng đây là kết quả đáng ghi nhận với một nền kinh tế có độ mở lớn với toàn cầu như Việt Nam khi tác động của những biến động kinh tế thế giới năm vừa qua là không hề nhỏ. Các tổ chức, định chế tài chính quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Có thể thấy qua con số GDP quý IV ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng đều qua các quý. Điều này cho thấy tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.

Năm nay, công nghiệp và xây dựng tiếp tục đối diện nhiều khó khăn trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62% - mức tăng thấp nhất trong 13 năm. Dù vậy sự phục hồi tốt của các hoạt động thương mại, tiêu dùng, du lịch đã bù đắp tích cực. Khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng, hơn 62% vào giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới đánh giá: "Bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt. Sự tăng trưởng của doanh số bán lẻ, một chỉ số nói lên tiêu dùng cá nhân, ổn định ở mức khoảng 7,5% kể từ tháng 8".

Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong khu vực - Ảnh 1.

Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong khu vực. Ảnh minh họa.

Dù vậy, việc nhiều đối tác thương mại lớn tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới kết quả tăng trưởng cuối cùng trong năm của các quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nhận định: "Việc giữ mức tăng trưởng trên 5% là rất ấn tượng. Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế tiếp tục thể hiện sự chống chịu tốt trước các biến động của nền kinh tế toàn cầu. Đây là tín hiệu rất khả quan so với các nền kinh tế có độ mở lớn, theo hướng xuất khẩu như Thái Lan, Malaysia…".

Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) vừa công bố, dù còn nhiều khó khăn, song tăng trưởng kinh tế trong trung hạn của Việt Nam có nhiều tín hiệu thuận lợi, ở mức khoảng 7% nhờ khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động và nhiều hiệp định thương mại tự do.

Kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng kinh tế thì sự ổn định của kinh tế vĩ mô càng trở nên có ý nghĩa.

Tốc độ của một cỗ xe có thể chậm lại vì những lí do khách quan. Nhưng cỗ máy đó không thể đi xa và đi nhanh nếu động cơ không ổn định, vững vàng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát đã và đang là một điểm tựa cho nền kinh tế.

Giá cả ổn định, ít biến động của nhiều hàng hóa thiết yếu là điều mà nhiều người dân cảm nhận rõ, nhất là trong dịp cuối năm này.

Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong khu vực - Ảnh 2.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát đã và đang là một điểm tựa cho nền kinh tế. Ảnh min họa.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI cả năm 2023 tăng 3,25% so với năm trước - thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%. Kinh tế vĩ mô ổn định được giữ vững là những nền móng vững vàng cho nền kinh tế.

Không chỉ tạo nền móng vững vàng mà sự ổn định kinh tế vĩ mô còn trở thành trụ lực chính để gia tăng và củng cố sức chống chọi, chịu đựng của kinh tế Việt Nam trước những biến cố của kinh tế thế giới.

Hạ tầng giao thông tạo đà cho tăng trưởng

Cỗ xe tốt thì cần có hạ tầng, đường thông suốt cho tăng trưởng, khai phóng tiềm lực, thu hút đầu tư. Tính hết tháng 12 năm nay, vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước đạt hơn hơn 625 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm trước.

Cũng từ dòng vốn này, năm nay Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được gần 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công. Đây cũng là năm kỷ lục về khối lượng thực hiện với 26 dự án khởi công và hoàn thành 20 dự án trọng điểm quốc gia, tạo liên kết cho nhiều các địa phương, vùng kinh tế.

Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong khu vực - Ảnh 3.

Hạ tầng giao thông đã tạo đà cho tăng trưởng. Ảnh minh họa.

Ngay trong những ngày cuối năm nay, lần đầu tiên 4 dự án giao thông trọng điểm: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã được đồng loạt được đưa vào khai thác. Đây cũng là năm kỷ lục về giải ngân và đưa nhiều dự án giao thông vào khai thác

Đến thời điểm này, cả nước đã đưa vào khai thác gần 1.900km đường cao tốc. Cùng với trục cao tốc Bắc - Nam, các địa phương cũng hoàn thiện các tuyến kết nối, tạo ra không gian phát triển mới.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Chúng ta đang có đà và có một niềm tin của cả người dân, doanh nghiệp trong nước và thế giới. Đây là một trong những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có và những đường lối mà chúng ta vạch ra ví dụ như tập trung vào đầu tư hạ tầng".

Trục cao tốc Bắc - Nam đi qua 32 địa phương, khu vực đóng góp tới 66% GDP của Việt Nam, sau khi hoàn thiện sẽ tạo ra một động lực phát triển quan trọng mới, kết nối nhiều địa phương và các khu vực trọng điểm. Lưu thông thuận lợi sẽ góp phần giảm chi phí logictisc ít nhất 10%, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Những kết quả có được năm 2023 là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; sự chia sẻ, phối hợp kịp thời, hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức bên ngoài tác động đan xen nhiều mặt. Do đó, cần sự chung sức, đồng lòng và nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu năm 2024 - năm bản lề tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025.

GDP năm 2023 tăng 5,05% GDP năm 2023 tăng 5,05%

VTV.vn - Mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước