Theo một báo cáo mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tỷ trọng của đồng Euro trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm mạnh trong năm ngoái, trong khi tỷ trọng của đồng USD và đồng Ten gia tăng.
Tỷ trọng của đồng Euro trong dự trữ ngoại hối đang trên đà giảm kể từ đầu thập kỷ này. ECB từ lâu đã cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần phải có tiến triển mới về hội nhập tài chính nếu muốn đảo ngược xu hướng này.
Báo cáo được công bố ngày 12/6 của ECB cho thấy tỷ trọng của đồng Euro trong dự trữ ngoại hối đã giảm một điểm phần trăm xuống còn 20% vào năm 2023. Các nhà quản lý dự trữ chính thức đã bán ròng lượng tài sản bằng đồng Euro trị giá khoảng 100 tỷ Euro (khoảng 108 tỷ USD).
Ngược lại, ECB cho biết tỷ trọng của đồng USD, đồng Yen và các loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống khác đã tăng lên. Đặc biệt, theo báo cáo của ECB, các nhà đầu tư chính thức đã mua vào lượng tài sản dự trữ bằng đồng Yen, có thể là nhằm bù đắp cho sự mất giá của đồng Yen trong giai đoạn được khảo sát.
Đồng Euro. (Ảnh: Getty Images)
ECB cũng ước tính rằng dự trữ bằng đồng Euro của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ đã giảm 35 tỷ Euro, chủ yếu do các can thiệp của ngân hàng này để hỗ trợ đồng Franc Thụy Sỹ.
Mặc dù lãi suất ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) đã tăng mạnh, nhưng điều này không cải thiện sức hấp dẫn của đồng tiền này bởi vì lãi suất ở nhiều nơi khác còn cao hơn và triển vọng kinh tế của Eurozone khá ảm đạm.
Dẫn chứng từ một cuộc khảo sát gần đây với 91 ngân hàng trung ương trong báo cáo về các xu hướng quản lý dự trữ của ngân hàng HSBC, ECB cho biết cả cấu trúc tài chính và triển vọng của khối đều là những vấn đề đáng lo ngại.
ECB cho biết: "Những người tham gia khảo sát cho biết triển vọng tăng trưởng yếu ở Eurozone, tình trạng thiếu nguồn cung các loại tài sản có mức xếp hạng cao và đặc điểm phát hành nợ tập trung có thể là những yếu tố cản trở đầu tư vào các loại tài sản bằng đồng Euro".
Ngoài ra, các kế hoạch của Nga cũng phủ bóng lên triển vọng của đồng Euro. ECB ước tính Ngân hàng trung ương Nga nắm giữ khoảng 8% dự trữ toàn cầu bằng đồng Euro trước khi chúng bị đóng băng vào năm 2022. Điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng đến tỷ trọng của đồng Euro trong dự trữ ngoại hối toàn cầu trong tương lai.
ECB đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các kế hoạch sử dụng tài sản của Nga bị mắc kẹt ở châu Âu để hỗ trợ Ukraine vì lo ngại các bên khác sau đó có thể bắt đầu nghi ngờ về tính an toàn của lượng Euro mà họ đang nắm giữ. Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy Fabio Panetta từng nhận định việc biến một đồng tiền thành vũ khí chắc chắn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đồng tiền đó và thúc đẩy các đồng tiền thay thế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!