Chính phủ Trung Quốc mới đây đã ban hành các biện pháp mới nhằm tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Các biện pháp này được đưa ra vào thời điểm niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Trung Quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục, gây trở ngại cho các kế hoạch đầu tư mới.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại Đức, hơn một nửa số doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết tình hình kinh doanh đã xấu đi trong năm nay và chỉ 32% tin rằng tình hình sẽ được cải thiện trong năm 2025. Đây là mức thấp nhất kể từ khi tiến hành khảo sát vào năm 2007.
Ông Clas Neumann - Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc cho biết: “55% các doanh nghiệp Đức tại Trung Quốc cho biết, tình hình chung trong năm nay đã xấu hơn so với năm ngoái. Đây là sự gia tăng rất mạnh”.
Theo Phòng Thương mại Đức, lý do chính dẫn đến sự sụt giảm niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Đức tại Trung Quốc là do đang gặp sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các công ty địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của Đức là sản xuất ô tô và máy móc công nghiệp. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc đã khiến tiêu dùng nội địa không mạnh như kỳ vọng.
Niềm tin kinh doanh sụt giảm khiến các doanh nghiệp nước ngoài ngần ngại thực hiện các khoản đầu tư mới. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đang hướng đến năm sụt giảm thứ hai liên tiếp. Để cải thiện sức hấp dẫn với các doanh nghiệp quốc tế, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định sẽ mở cửa các lĩnh vực mới trước đây từng bị hạn chế đầu tư, bao gồm y tế và chăm sóc sức khỏe.
Trung Quốc đã cho phép thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài tại 8 thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu cùng với đảo Hải Nam. Đây là chương trình thí điểm nhằm thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực y tế của nước này.
Phó giáo sư Meng Yanchen - Trường đại học Y Thủ đô chia sẻ: “Bằng việc cho phép thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài, chúng ta có thể tối ưu hóa và làm giàu thêm hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc. Việc này cũng có thể làm tăng nguồn cung dịch vụ y tế và mang đến các thiết bị máy móc mới”.
Trước đó vào ngày 1/11, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành danh mục các lĩnh vực bị hạn chế đầu tư nước ngoài, theo đó số lượng các lĩnh vực bị hạn chế đã giảm từ 31 xuống còn 29. Riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã được dỡ bỏ tất cả các hạn chế đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!