Theo tính toán của Bloomberg, chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đạt gần 1.000 tỷ USD nếu tiếp tục mở rộng với tốc độ từ đầu năm đến nay. Dựa trên dữ liệu công bố tuần trước, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc đã tăng vọt lên 785 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, mức cao nhất được ghi nhận trong cùng kỳ và tăng gần 16% so với năm 2023.
“Với giá xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang giảm, tăng trưởng về khối lượng xuất khẩu là rất lớn”, Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho biết. “Câu chuyện chung là về một nền kinh tế đang một lần nữa tăng trưởng nhờ xuất khẩu”.
Phía Bắc Kinh cho biết, sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các ngành công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng thương mại nước ngoài ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định việc làm.
Hàng hóa được xếp tại cảng của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong vài năm qua, các công ty Trung Quốc đã tăng cường hiệu suất xuất khẩu của họ. Nhưng bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại, điện khí hóa ngày càng tăng và việc ưu tiên lựa chọn sản phẩm nội địa đang làm giảm nhu cầu nhập khẩu.
Vào tháng 10, Trung Quốc có mức thặng dư lớn thứ ba trong lịch sử, tính bằng Nhân dân tệ, đạt 5,2% GDP danh nghĩa trong 9 tháng đầu năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015 và cao hơn nhiều so với mức trung bình của thập kỷ qua.
Thặng dư với Mỹ tăng 4,4% từ đầu năm tới nay so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu mới nhất, con số này tăng 9,6% với Liên minh châu Âu và tăng gần 36% với 10 quốc gia Đông Nam Á trong ASEAN.
Đồng Nhân dân tệ giảm, khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và làm tăng thêm thặng dư với Ấn Độ, đạt 85 tỷ USD từ đầu năm đến nay, cao hơn 3% so với năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức của 5 năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!