Để thực hiện được mục tiêu trên, một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã không ngừng đưa ra những chính sách nhằm thu hút các nhân tài từng học tập, làm việc tại nước ngoài trở về nước lập nghiệp.
Vừa tốt nghiệp đại học tại Bắc Kinh, anh Jiang đã quyết định đăng ký theo học tại trường Thiết kế Parson ở New York, Mỹ. Anh luôn hy vọng sẽ tìm kiếm được một công việc tốt trong ngành công nghiệp thời trang, do đó những kiến thức học được ở trong nước là không đủ.
"Bằng cách đến học tại New York, tôi sẽ có cơ hội tiếp cận sớm nhất với các thông tin trong ngành thời trang, tiếp xúc với các thương hiệu và tham gia Tuần lễ thời trang New York", anh Jiang - sinh viên trường Thiết kế Parson nói.
Anh Jiang chỉ là một trong số rất nhiều thanh niên rời khỏi Trung Quốc hàng năm để tìm kiếm những cơ hội giáo dục và việc làm tốt hơn. Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2016, hơn 1/2 người Trung Quốc đã đi du học ở nước ngoài, tăng 36% so với 4 năm trước đó. Có ý kiến lo ngại, điều này sẽ dẫn tới nguy cơ Trung Quốc bị chảy máu chất xám. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không nghĩ như vậy.
"Tỷ lệ chảy máu chất xám chỉ chiếm khoảng 2 - 3% số sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm tại Trung Quốc - một tỷ lệ khá thấp so với nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, những người rời đi đã góp phần củng cố mối quan hệ trong nghiên cứu giữa Trung Quốc và các nước khác", ông Tian Fangmeng - Giáo sư trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết.
Sau nhiều năm phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám trầm trọng, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực đảo ngược xu thế này với những chương trình thu hút nhân tài và đạt được một số kết quả khả quan.
Ông Li Zhifei - một nhà nghiên cứu từng làm việc tại Google, đã quay trở lại Trung Quốc vào năm 2012 để thành lập doanh nghiệp riêng với sự trợ giúp của những người cũng từng học tập tại nước ngoài và muốn trở về nước để xây dựng sự nghiệp.
Ông Li Zhifei - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành công ty Mobvoi nói: "Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các hoạt động kinh doanh và sáng tạo, đưa ra các chính sách hỗ trợ và thu hút vốn đầu tư. Điều này đã thôi thúc các nhân tài từ nước ngoài trở về nước để khởi nghiệp".
Giới chức Trung Quốc kỳ vọng, xu hướng hồi hương để lập nghiệp của các du học sinh sẽ đem lại cho Trung Quốc một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, trở thành động lực cho nền kinh tế số 2 thế giới vốn đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế sáng tạo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!