Cau tươi sau khi được thu mua ở các nhà vườn sẽ được thương lái đem bán lại cho các chủ vựa để sơ chế, sấy thành cau khô, xuất sang thị trường nước ngoà
Với giá bán dao động ở mức 75.000 - 78.000 đồng/kg cau cành tươi, nên người trồng cau và các cơ sở sơ chế tại Quảng Ngãi rất phấn khởi. Tại đây, hai huyện là Sơn Tây và Nghĩa Hành là vùng trồng cau lớn nhất tỉnh với khoảng 2.200 ha. Mấy tháng qua, giá cau liên tục tăng. Đầu vụ giá cau được thu mua với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Có thời điểm cao nhất lên hơn 85.000 đồng/kg. Nhờ vậy, các gia đình trồng cau năm nay thu nhập cao, thậm chí có hộ thu về cả tỷ đồng. Không chỉ vậy, các điểm thu mua, chế biến cau cũng hoạt động hết công suất.
Cau tươi sau khi được thu mua ở các nhà vườn sẽ được thương lái đem bán lại cho các chủ vựa để sơ chế, sấy thành cau khô, xuất sang thị trường nước ngoài; trong đó, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Một chủ vựa thu mua tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành cho hay, năm 2023, thị trường cau biến động, đầu mùa giá dao động khoảng 20.000 đồng/kg, nhưng đến chính vụ lại rớt giá thê thảm. Bước vào vụ cau năm 2024, phía Trung Quốc thu mua số lượng lớn và tăng giá liên tục nên giá cau tươi vì thế cũng tăng. Tuy nhiên, do chỉ phụ thuộc vào đầu mối Trung Quốc nên chủ cơ sở này không dám chắc giá cau cuối vụ hoặc năm sau có giữ ở mức cao như vậy hay không.
Sau thời gian tăng giá mạnh, thậm chí lên đến hơn 85.000 đồng/kg, giá cau tươi ở Quảng Ngãi đang hạ nhiệt và giảm nhanh. Hiện cau tươi đang có giá khoảng hơn 60.000 đồng/kg nhưng nhiều chủ vựa thu mua khá dè chừng, thậm chí có nơi tạm dừng thu mua. Nguyên nhân của tình trạng này là do phía Trung Quốc bất ngờ hạn chế nhập cau khiến các thương lái cũng giảm sức mua để dò giá.
Theo các ngành chức năng, đầu ra trái cau chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên người dân không nên ồ ạt tăng diện tích mà nên trồng xen canh với các loại cây khác, để tránh rủi ro và cho kinh tế cộng hưởng. Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho rằng, do giá cau liên tục tăng cao trong thời gian qua, nên đã xuất hiện tình trạng một số người dân tại địa phương tự phát chuyển đổi từ các cây trồng khác sang cây cau. Đặc biệt, có một số hộ trồng cau trên diện tích đất trồng cây hàng năm.
"Đến nay toàn huyện Nghĩa Hành có hơn 700 ha cau, tăng 4% so với năm 2023. Trước thực trạng diện tích cau tăng nhanh và không phù hợp với định hướng của huyện là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển vùng chuyên canh ây ăn quả, nhất là những cây đã đạt chứng nhận OCOP. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện đã giao phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cùng các địa phương khảo sát lại hiệu quả của cây cau trong phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, kiểm soát chặt diện tích cây cau trên quan điểm "không khuyến khích người dân phá bỏ cũng như trồng mới cây cau một cách ồ ạt".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!