Ngày 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có Công điện số 03 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản. Trong năm 2024, tại một số thời điểm, một số khu vực, địa phương, giá bất động sản, nhà ở tăng cao so với khả năng đáp ứng tài chính của người dân. Một số nguyên nhân đã được đưa ra, trong đó có tình trạng một số chủ đầu tư dự án bất động sản lợi dụng tình hình nguồn cung bất động sản hạn chế để đưa ra giá chào bán bất động sản cao hơn mức trung bình của các dự án bất động sản để thu lợi.
Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, và các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường; kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Ghi nhận từ thị trường cho thấy, càng về các tháng cuối năm 2024, dù nguồn cung đã được cải thiện, nhưng giá bất động sản vẫn liên tục tăng cao, đặc biệt là căn hộ chung cư.
Một căn hộ hai ngủ, khoảng 70m2 ở trung tâm Hà Nội hiện nay có giá trung bình khoảng 5-6 tỷ đồng/căn, thậm chí lên đến 10 tỷ đối với nơi có vị trí đắc địa. Như vậy, những người có trong tay khoảng 3-4 tỷ đồng hiện rất khó để tìm mua được một căn hộ ưng ý, dù họ đã ra tìm kiếm ở cả các khu vực ngoại thành. Một trong những nguyên nhân là do các chủ đầu tư định vị các chung cư của họ ở phân khúc cao cấp và hạng sang.
Từ tháng 10/2024, thị trường Hà Nội bắt đầu xuất hiện những căn hộ nằm ở huyện ngoại thành, cách xa trung tâm từ 10-15 km, nhưng giá bán lên tới hơn 100 triệu đồng/m2. Ngay cả các chung cư đã vào ở nhiều năm, tại một số khu vực, giá đã tăng gấp đôi. Lập tức, thị trường đã có sự phản ứng, khi lượng giao dịch giảm dần, nhiều người dừng lại nghe ngóng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần GP Invest cho biết: "Các biện pháp để giữ được mặt bằng giá ổn định, làm sao không tăng nữa, dường như chúng ta đang thả nổi thị trường. Chính vì việc thả nổi thị trường nên giá không có ai kiểm soát. Tôi e rằng với đà này, chỉ đến khi tự bong bóng vỡ, tức là từ thị trường không ai mua nữa, các chủ đầu tư sẽ phải tính lại, xem lại việc mình nâng giá lên có được thị trường chấp nhận hay không. Nó lại ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế. Nên chăng, có biện pháp nào để chúng ta ngăn chặn trước tình trạng này".
Công điện số 03 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu một số giải pháp như Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý", nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản... Các ý kiến trên thị trường đánh giá, đây là những giải pháp cần thiết để chấn chỉnh các hành vi thao túng, đầu cơ bất động sản.
Bà Hồ Thị Thu Mai - Giám đốc Công ty TNHH Nhà Ở Ngay chia sẻ: "Những người có lịch sử giao dịch về đầu cơ nhiều, sẽ phải cân đối lại các khoản vay, lãi vay để hạn chế bớt việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong việc mua nhà đầu cơ. Việc đánh thuế nhà ở thứ hai tôi nghĩ cũng cần phải xem xét".
Nhiều người mua nhà tại Hà Nội cũng đang mong đợi sự xuất hiện của một số dự án nhà ở xã hội đã được cấp phép hoặc khởi công như dự án tại khu đô thị mới Hạ Đình, Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh…
Tuy số lượng căn hộ ít ỏi, nhưng theo các chuyên gia, với giá bán chỉ khoảng trên 20 triệu đồng/m2, nhà ở xã hội sẽ chứng minh cho thị trường thấy, căn hộ giá bình dân hoàn toàn có thể triển khai, trở thành một đối trọng đối với các chung cư cao cấp, hạng sang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!