Theo các chuyên gia, tình hình dịch bệnh phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến triển vọng phát triển sản xuất của quý III cũng như nửa cuối năm 2021 trở nên khó dự đoán, thông tin trên tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn.
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo giữ xu hướng giảm trong hai quý đầu năm. Còn theo số liệu mới công bố của IHS Markit, chỉ số PMI của Việt Nam chỉ đạt 44,1 điểm trong tháng 6/2021, giảm đột ngột so với tháng 5 (53,1 điểm) và ở mức thấp nhất trong 13 tháng qua.
Đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng cho quý kém lạc quan hơn với chỉ 39,2% cho rằng quý III sẽ có diễn biến tốt hơn.
Hoạt động sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo giữ xu hướng giảm trong hai quý đầu năm. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang trong đà hồi phục sau đại dịch được kỳ vọng tạo nên lực đẩy làm nhu cầu hàng hóa tăng trở lại nhưng các vấn đề liên quan đến chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải và các biến động dịch bệnh ngắn hạn lại là lực kéo khiến cho nền kinh tế thế giới có thể không hồi phục như kỳ vọng.
Kỳ vọng vào đợt giảm lãi suất cho vay trong tháng 7/2021
Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đã đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Họ đang rất cần được hỗ trợ khoanh nợ, giảm lãi suất để vượt qua giai đoạn này, thông tin cập nhật trên Vneconomy.
Cụ thể, Hội doanh nhân trẻ đề xuất với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, được khoanh nợ đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu. Bên cạnh đó, họ cũng đề xuất giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm.
Trước những đề xuất này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn.
Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đã đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp.
Chuỗi cung ứng chịu thêm sức ép mới
Cũng trong thời điểm này nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, EU đã bắt đầu phục hồi. Số lượng đơn hàng đang có xu hướng tăng trở lại. Nếu doanh nghiệp trong nước không cung ứng đủ thì sẽ bỏ lỡ cơ hội nắm giữ thị phần, theo Diễn đàn doanh nghiệp.
Giải pháp tình thế là các doanh nghiệp vẫn chuyển bằng đường hàng không, tuy nhiên theo các chuyên gia giá vẫn chuyển hàng không vẫn cao ảnh hưởng đến lợi nhuận sản xuất.
Bên cạnh đó, điểm sáng trong bối cảnh dịch bệnh là Việt Nam vẫn chứng kiến tốc độ tăng trưởng vận tải container nhanh đáng kể trong nửa đầu năm, ở mức 22% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam cũng không phải là quốc gia duy nhất hiện nay đối mặt với tình trạng diễn biến phức tạp của COVID-19 và theo chuyên gia, sẽ không mất quá nhiều lợi thế về vị thế hay sức hấp dẫn với vai trò là điểm đến về nguồn cung ứng.
Sản xuất ở châu Á yếu đi VTV.vn - Tại châu Á, hoạt động sản xuất của các nhà máy ở nhiều quốc gia đã suy yếu đáng kể trong tháng 6 do chi phí đầu vào tăng và một số ổ dịch bùng phát ở nơi sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!