Sau một vài cú sốc trước đó, các dữ liệu mới nhất đang cho thấy, nền kinh tế số một thế giới vẫn duy trì được sự ổn định với triển vọng tích cực. Tối qua, ngay trước thềm cuộc họp của Fed, doanh số bán lẻ tháng 8 được Bộ Thương mại Mỹ công bố đã bất ngờ ghi nhận mức tăng 0,1%, đảo ngược lại dự báo trước đó là giảm 0,2%. Những dữ liệu này đang giúp củng cố niềm tin vào kịch bản "hạ cánh mềm" mà Fed kỳ vọng.
Cùng với doanh số bán lẻ bất ngờ đi lên, nhiều dữ liệu kinh tế khác của Mỹ cũng ghi nhận sự mạnh mẽ ngoài dự đoán, như sản lượng công nghiệp tháng 8 đạt mức tăng lên tới 0,8%, so với dự báo chỉ là 0,2%. Tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ cũng tiếp tục chạm mức cao kỷ lục 164.000 tỷ USD trong quý II, theo số liệu của Fed hồi tuần trước. Những số liệu này, cùng với việc các chỉ số giá cả CPI và PPI tháng 8 tiếp tục hạ nhiệt, đều đang cho thấy khả năng "hạ cánh mềm" - tức tăng trưởng giảm tốc nhưng không suy thoái là khá sáng sủa với nền kinh tế số một thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Tập đoàn RSM tại Mỹ cho biết: "Với các dữ liệu trong 6 tháng qua, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Mỹ đang tiến tới hạ cánh mềm trong năm nay. Thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt như kỳ vọng của Fed và lạm phát vào tầm kiểm soát. Kinh tế Mỹ có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng khoảng 2% trong các quý tới, một con số khá ổn định và đảm bảo kiểm soát được lạm phát. Chúng tôi cũng kỳ vọng trong vài năm tới, các khoản đầu tư cho vốn và công nghệ, như AI và bán dẫn sẽ giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy nền kinh tế".
Tháng trước, các dữ liệu về thị trường lao động hạ nhiệt đã kéo theo đà bán tháo mạnh tại phố Wall do những lo ngại kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Tuy nhiên những dữ liệu sau đó lại cho thấy rằng, mối lo ngại này có thể đã bị thổi phồng và sức khỏe nền kinh tế số một thế giới vẫn được duy trì.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Tập đoàn RSM tại Mỹ đưa ra nhận định: "Thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng vẫn không suy yếu và tăng trưởng việc làm hiện vẫn ở mức đủ để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Dự báo của chúng tôi về khả năng suy thoái hiện vẫn ở mức thấp 20%. Hơn nữa, suy thoái thường được kích hoạt bởi những cú sốc đáng kể như đại dịch toàn cầu hay khủng hoảng tài chính. Nền kinh tế sẽ không tự nhiên rơi vào suy thoái, nhất là khi Fed có đủ các công cụ hỗ trợ cần thiết".
Sức khỏe của kinh tế Mỹ cũng thúc đẩy các dự báo ở mức cao hơn về lãi suất trung lập - tức mức lãi suất không thúc đẩy và cũng không kìm hãm nền kinh tế. Theo các chuyên gia, nếu lạm phát duy trì ở mức trên 2%, lãi suất trung lập trong thời gian tới có thể đạt ngưỡng 3-3,5%, cao hơn mức trước đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!