Trên thị trường tiền tệ, việc đồng USD giảm giá sau dữ liệu lạm phát Mỹ đã giúp đồng Yên Nhật Bản bất ngờ tăng mạnh hơn 3% giá trị. Nếu như phiên hôm qua 1 USD đổi 161,52 Yên thì sáng nay tỷ giá giao dịch là 1 USD đổi 158,55 Yên. Theo CNBC, thị trường cho rằng đã có sự can thiệp về tỷ giá từ phía Bộ Tài chính.
Ngay trong sáng nay ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda - quan chức cấp cao phụ trách vấn đề tỷ giá cho biết cơ quan này và BOJ sẽ chỉ can thiệp thị trường tiền tệ khi cần thiết.
Trước đó, ông Kanda từng đề cập động thái hỗ trợ đồng nội tệ diễn ra một khi tốc độ suy giảm của Yên so với USD đạt 4% trong vòng hai tuần.
Thực tế cho thấy, đồng Yên gần như đi ngang quanh ngưỡng 161 Yên đổi 1 đồng bạc xanh suốt hai tuần qua.
Chuyên gia từ ngân hàng UOB từ Singapore cho rằng, khả năng can thiệp lần này chỉ là đồn đoán. Nguyên nhân chính vẫn đến từ việc FED khả năng cao sẽ hạ lãi suất vào tháng 9, qua đó giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa FED - BOJ và đồng USD hạ nhiệt.
Ông Su An Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết: "BOJ hiện không còn đặt mức trần của tỷ giá là 160 Yên đổi 1 USD nữa. Điều khiến các quan chức Nhật Bản theo dõi lúc này sẽ là tốc độ và quy mô mất giá của đồng nội tệ. Chỉ khi có sự thay đổi đột ngột, BOJ mới tiến hành can thiệp ngay".
Để giải toả áp lực mất giá đồng Yên theo cách bền vững hơn, thị trường nhận định, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn cần mạnh tay thực hiện động thái kép trong tháng 7 này, đó là vừa nâng lãi suất, vừa cắt giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ. Song khả năng này vẫn là 50/50.
Giáo sư Yasuhiro Doi - Chuyên gia kinh tế, Đại học Nagoya, Nhật Bản nhận định: "Tôi dự báo BOJ sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 30/7. Đây là cách để giảm chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Việc lãi suất ngắn hạn của Fed là 5,25-5,5% và của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là 0-0,1% là nguyên nhân chính khiến yên mất giá so với USD".
Ông Su An Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB chia sẻ thêm: "BOJ sẽ khó có thể nâng lãi suất thời điểm này mà cần chờ tới tháng 9. Biện pháp mà cơ quan này có thể làm ngay là giảm quy mô 1.000 tỷ Yên trong chương trình mua trái phiếu Chính phủ hàng tháng hiện nay, xuống còn 5.000 tỷ Yên".
Trước đó, Nhật Bản xác nhận đã chi khoảng 62 tỷ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong khoảng thời gian từ ngày 26/4 đến ngày 29/5. Dữ liệu dự trữ ngoại hối cho thấy Nhật Bản có thể đã bán trái phiếu Chính phủ để tài trợ cho các hoạt động này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!