Dù khẳng định sự cần thiết phải đưa lĩnh vực sản xuất kinh doanh bia vào quản lý quy củ, song không ít ý kiến đã bày tỏ quan điểm cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để Nghị định đi vào cuộc sống, không nên quản lý theo tư duy “không quản được thì cấm”.
Tại Khoản 1, Điều 8 dự thảo Nghị định này nêu: “Bia sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm”. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc này quá tốn kém, tăng chi phí sản xuất và cuối cùng vẫn đánh vào túi tiền người tiêu dùng.
Theo thống kê, một năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, tương đương với 10 tỷ sản phẩm bia, nếu Nghị định được thông qua, tức là phải dán khoảng 10 tỷ cái tem. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm cả nước mất khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 2.000 tỷ đồng là chi phí mua tem với giá 200 đồng/tem và hơn 1.000 tỷ đồng cho việc chi phí máy in tem, khấu hao và các loại chi phí quản lý khác. Riêng Sabeco với sản lượng 1 triệu sản phẩm/ngày và 4 tỷ sản phẩm/năm cũng sẽ phải chi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng cho việc dán tem.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn nhìn nhận: “Tôi tưởng tượng sẽ lũng đoạn thị trường tem, sẽ có “cò” tem, giá tem thời điểm Tết lên có khi hơn cả thị trường chứng khoán vì buộc phải có tem, người có thẩm quyền chia tem cho ai đó còn mạnh hơn tất cả các ngân hàng, tổ chức tài chính, vì con tem quyết định sinh mệnh của doanh nghiệp. Tôi chưa tìm thấy lợi ích gì cho việc dán tem cả ba phương diện về quản lý nhà nước, kỹ thuật và kinh tế”.
Đó là chưa kể con tem dán lên bia thì chi phí lon bia có thuế tiêu thụ đặc biệt được tính lên cả con tem, vậy là chi phí tăng thêm nữa, tức là giá thành tăng và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.
Theo tính toán của Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM: “Khoảng vài ngàn tỷ tem một năm đó là đánh vào túi tiền người tiêu dùng, số đó không phải vào ngân sách Nhà nước mà vào ngân quỹ của nhà cung cấp tem, đầu tiên là nhà cung cấp thiết bị dán tem, như vậy rõ ràng chủ trương dán tem lên bia sẽ mang lại lợi ích nhóm”.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cho rằng: “Đề án này đang trình phê duyệt nên tốt nhất không nên đưa vào dự thảo bởi vì cần xem khả thi hay không, có được Chính phủ phê duyệt hay không, việc quản lý sản xuất kinh doanh bia phải có tính khả thi mới có hiệu lực thực tế”.
Nhìn thấy được những hạn chế và hệ lụy nhãn tiền nếu quy định dán tem bia được áp dụng, các chuyên gia cho rằng, nên chăng chỉ vận dụng dán tem cho các loại bia nhập khẩu là hợp lý nhất trong thời điểm này.