Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) là cần thiết, đôi bên cùng có lợi. Nhưng do thực hiện một cách ồ ạt, nhiều nơi thiếu công bằng, minh bạch… nên người dân, doanh nghiệp phải chịu gánh nặng phí cầu đường, còn nhà đầu tư lại ung dung hưởng lợi.
Bài báo trên tờ Tiền Phong nhận định: BOT đang thực sự trở thành một cơn lốc. Riêng dự án cải tạo nâng cấp tuyến QL 1A từ Bắc vào Nam hiện nay như một “đại dự án BOT” lớn nhất cả nước với hàng chục nhà đầu tư. Song song với đó là hàng chục trạm BOT ra đời, có thời gian thu phí 15 - 25 năm và cứ đều đặn 3 - 5 năm tăng phí một lần.
BOT nhiều đến mức, trên diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) than: “Người dân đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra khỏi nhà là phải mất thêm tiền cho các trạm thu phí”.
Quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí phải là 70km nhiều khi chỉ có hiệu lực trên giấy. Có cung đường dài khoảng 100km nhưng có từ 2 - 4 trạm thu phí BOT, như Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Vĩnh Phúc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!