TP. Hồ Chí Minh: Không để tăng giá theo tăng lương

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 07/08/2024 13:42 GMT+7

VTV.vn - TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng qua chương trình, 300.000 người sẽ được tiếp cận với hàng tiêu dùng thiết yếu và tác động của chương trình sẽ không dừng ở đó.

Mang hàng hóa bình ổn giá đến tận nơi, phục vụ cho những người yếu thế, công nhân lao động thu nhập thấp - đây là chương trình "Bán hàng lưu động- Bình ổn thị trường" vừa được TP. Hồ Chí Minh triển khai.

Một số mặt hàng trong đợt bán hàng lưu động này còn được giảm giá mạnh. Đây chính là điểm mới của chương trình bình ổn thị trường đã được TP.Hồ Chí Minh thực hiện từ 20 năm nay. Việc làm này cũng góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ: không để tăng giá theo tăng lương.

Đi bán vé số từ 5 giờ sáng, hai bà cháu bà Lê Thị Hà là những người đầu tiên đến với lễ khởi động chương trình. Mỗi ngày đi chợ, dù chỉ tốn thêm 5.000 - 10.000 đồng cũng đủ là gánh nặng, nên bà Hà rất trông chờ vào những cơ hội như thế này.

Bà Lê Thị Hà - Phường 2, quận 11, TP.Hồ Chí Minh tâm sự, bà có thể mua gạo và các thứ cần dùng trong tháng và nhờ chương trình bán hàng lưu động này, bà con có thể ghé vào chỗ gần nhất để mua. 

Gắn bó với chương trình bình ổn giá nhiều năm của TP.Hồ Chí Minh, nhưng với lần thí điểm bán hàng lưu động này, các doanh nghiệp sản xuất và chuỗi phân phối đều có cách thức rất rõ ràng cho mục tiêu Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương.

TP. Hồ Chí Minh: Không để tăng giá theo tăng lương - Ảnh 1.

Một số mặt hàng trong đợt bán hàng lưu động này còn được giảm giá mạnh (Ảnh minh họa)

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Tây Food, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: "Dù có hệ thống siêu thị nhưng tất cả các mặt hàng đều giảm giá xuống từ 15 -20% và còn tặng thêm cho bà con nhiều loại sản phẩm mà nhà máy của mình sản xuất".

Bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market cho biết: "Công nhân trong các khu công nghiệp làm việc theo ca không thể có thời gian để đi đến các chợ, Trung tâm thương mại để mua sắm. Do đó chúng tôi đến tận nơi phục vụ, giúp cho họ giảm bớt chi phí đi lại, di chuyển cũng như là hàng hóa đến được với tay họ sớm nhất".

30 ngày bán hàng bình ổn lưu động, hơn 500 sản phẩm thuộc hơn 40 mặt hàng sẽ được 9 doanh nghiệp chia thành 15 đợt phục vụ tại các địa bàn có đông công nhân lao động, người có thu nhập thấp. TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng qua chương trình, 300.000 người sẽ được tiếp cận với hàng tiêu dùng thiết yếu và tác động của chương trình sẽ không dừng ở đó.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Việc tăng lương của Chính phủ để cải thiện đời sống của đội ngũ cán bộ công chức và người lao động của Thành phố, chương trình bình ổn thị trường này sẽ góp phần đảm bảo để giá cả không có cơ hội tăng giá theo tăng lương để đảm bảo thị trường tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh".

Không chỉ có vậy, với sự vào cuộc của các phương thức thanh toán không tiền mặt, các phiên bán hàng lưu động này sẽ góp phần hiện thực hóa chủ đề chuyển đổi số năm 2024 của TP.Hồ Chí Minh, đồng thời kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế đang từng bước hồi phục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước