Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 10 tháng năm 2024 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 3.785 nghìn tỷ đồng, tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 6,87% so với cuối năm 2023 và tăng 12,7% so với cùng kỳ. Như vậy trong những tháng gần đây, hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.
Ông Lệnh dự báo, trong 2 tháng cuối năm và dịp Tết Âm lịch sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn các tháng trước, gắn liền với yếu tố mùa vụ do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của kỳ lễ cuối năm và tết thường tăng cao. Bên cạnh đó, các hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ và du lịch thường tăng trưởng tốt trong dịp cuối năm cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Tín dụng trong 2 tháng còn lại của năm 2024 sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 10 tháng đạt 3.855 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm (tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng), sẽ tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu vốn dip cuối năm.
Đồng thời, hoạt động tín dụng cho vay bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo giữ ổn định giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng, thiết yếu dịp cuối năm sẽ tiếp tục được tổ chức thực hiện tốt.
Đến nay, doanh số cho vay đối với chương trình bình ổn trên địa bàn thành phố đạt hơn 9.700 tỷ đồng cho 37 doanh nghiệp tham gia chương trình, gồm doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Mức lãi suất bình quân khoảng 4%/năm sẽ hỗ trợ chi phí sử dụng vốn cho các doanh nghiệp, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm hoặc giữ ổn định giá bán, vốn thường có xu hướng tăng trong dịp Tết.
Thời gian qua, nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng hiệu quả và bình ổn thị trường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh đã tăng trưởng 10,1% trong 10 tháng qua, đạt 979.052 tỷ đồng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bình ổn thị trường tiếp cận nguồn vốn, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố tổ chức nhiều hoạt động kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Công Thương đã mở rộng quy mô chương trình bình ổn thị trường năm 2024, thu hút thêm 10 doanh nghiệp tham gia, nâng tổng số doanh nghiệp tham gia lên 69.
Theo đăng ký từ các doanh nghiệp, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng từ 4 - 6% so với năm 2023, chiếm từ 21 - 32% thị phần trong tháng thường, và chiếm từ 24 - 41% nhu cầu thị trường trong dịp Tết.
[INFOGRAPHIC] 9 mặt hàng bình ổn giá VTV.vn - Xăng, dầu thành phẩm; thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm… nằm trong danh mục 9 mặt hàng bình ổn giá theo Luật Giá năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!