Tổng Giám đốc Trịnh Hữu Lương - Thuyền trưởng hồi sinh “tàu ma” Vitranschart

Hải Minh – Vũ Hoàn-Thứ sáu, ngày 27/09/2024 15:13 GMT+7

VTV.vn - Vitranschart - doanh nghiệp từng bị ví von như “tàu ma không động cơ” đã thành công trong việc xóa nợ gần 2.000 tỷ.

Từ chỗ thua lỗ và nợ nần kéo dài, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, tập trung tái cơ cấu tài chính, hoạch định chiến lược và củng cố bộ máy, Vitranschart – doanh nghiệp từng bị ví von như "tàu ma không động cơ" đã thành công trong việc xóa nợ gần 2.000 tỷ, cùng với đó là doanh thu và lợi nhuận hàng năm liên tục tăng trưởng.

Lắp "động cơ" cho doanh nghiệp thua lỗ trầm trọng

Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2020, chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế và đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 khiến giao thương đình trệ, ngành vận tải biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những nốt trầm. Tuy nhiên, bằng nỗ lực tái cơ cấu không ngừng nghỉ, những "chuyến tàu ma" thua lỗ nặng nề đang được gắn những "động cơ" tăng trưởng mới đầy hứa hẹn. Trong đó, một điểm sáng có thể kể đến là trường hợp của Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) – thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Tổng Giám đốc Trịnh Hữu Lương - Thuyền trưởng hồi sinh “tàu ma” Vitranschart - Ảnh 1.

ông Trịnh Hữu Lương, Tổng Giám đốc Vitranschart

Chia sẻ với Thời báo VTV, ông Trịnh Hữu Lương, Tổng Giám đốc Vitranschart cho hay, sau thời gian dài "ngủ đông" vì suy thoái kinh tế và dịch COVID-19, ngành vận tải biển Việt Nam phần nào được hưởng lợi từ sự cố tắc nghẽn vận tải qua kênh đào Suez liên quan tàu Ever Given (của hãng Evergreen) và sự tắc nghẽn việc dỡ hàng do Covid-19. Bên cạnh đó, giao thương bùng nổ trong giai đoạn mở cửa trở lại sau đại dịch cũng góp phần tạo nên những tín hiệu tăng trưởng khả quan của ngành.

"Trong suốt thời gian 13 năm, công ty xảy ra tình trạng thua lỗ kéo dài dẫn đến không có nguồn để chi trả. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các ngân hàng, và chỉ đạo sát sao từ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, cùng với chiến lược đúng đắn, phù hợp, công ty có thể được coi là đang tái cơ cấu tài chính thành công với gần 2.000 tỷ xóa nợ trong 3 năm qua, mang lại kết quả lợi nhuận từ lỗ kéo dài trước năm 2021 sang trạng thái liên tục có lãi. Trong năm 2024, tổng doanh thu ước đạt 738 tỷ, lợi nhuận sau thuế hơn 238 tỷ" – ông Lương cho biết thêm.

Cùng với đó, theo định hướng từ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, xây dựng đổi mới hệ thống quản trị, đảm bảo thực thi nguyên tắc "1 Hệ thống, 2 Trung tâm, 3 Chiến lược", Vitranschart đang nỗ lực xây dựng chuỗi dịch vụ trong hệ sinh thái chung của Tổng Công ty - lấy khách hàng làm trung tâm - chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên Tốt – Tâm – Tín - Tài. Trong đó, Tốt là người tốt, tàu tốt, quản lý tốt; Tâm là tầm là tận tụy về công việc; Tín là giữ uy tín với khách hàng; Tài để cập nhật kiến thức, trau dồi, tu dưỡng, luôn luôn đổi mới và cải tạo, cải tiến liên tục để hoàn thiện từ hệ thống cho đến con người, hướng đến sự phục vụ khách hàng tốt hơn.

Sâu sát, chia sẻ khó khăn cùng người lao động

Ngoài những yếu tố kể trên, một trong những lý do góp phần cho sự "hồi sinh" ngoạn mục của Vitranschart chính là đội ngũ gần 700 cán bộ công nhân viên lành nghề, "thiện chiến" gắn bó lâu dài với công ty. Đó là kết quả từ việc công ty luôn để tâm chăm lo bảo vệ quyền lợi, phúc lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Tổng Giám đốc Trịnh Hữu Lương - Thuyền trưởng hồi sinh “tàu ma” Vitranschart - Ảnh 2.

Vitranschart - doanh nghiệp từng bị ví von như “tàu ma không động cơ” đã thành công trong việc xóa nợ gần 2.000 tỷ

Cho tới thời điểm hiện tại, Vitranschart đã không còn nợ lương và BHXH như những năm trước. Hơn thế, trong năm 2024, công ty đã thường xuyên trả lương trước thời hạn quy định, là đơn vị tiên phong trong Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam xây dựng thành công hệ thống BCS-KPI-3Ps từ năm 2020. Không ngừng cải tiến hình thức trả lương 3Ps, nhờ vậy giúp người lao động có động lực và yên tâm gắn bó, đóng góp ý tưởng để phát triển công ty.

Theo thống kê, thu nhập bình quân của người lao động công ty trong năm 2024 đạt 28 triệu đồng/người/tháng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 40% so với thời điểm năm 2020. Bên cạnh đó là nhiều hoạt động phong trào, thi đua khen thưởng của Công đoàn công ty như: Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; Quỹ Vì người nghèo, Xây dựng nhà tình nghĩa tại một số địa phương như Nghệ An, Bến Tre…

Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam đang hoàn tất báo cáo thành tích, đề nghị khen thưởng Cờ thi đua của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước năm 2024.

Những kỳ vọng tương lai

Chia sẻ về chiến lược ngắn hạn trong giai đoạn 2025 - 2030, ông Trịnh Hữu Lương cho biết, sau khi tái cơ cấu tài chính thành công, công ty sẽ bước vào giai đoạn ổn định và phát triển. Trong đó, công ty có phương hướng trọng tâm như: Tận dụng cơ hội thị trường, tổ chức khai thác đội tàu theo hình thức cho thuê định hạn, tranh thủ thời cơ để tự khai thác một số chuyến hàng có hiệu quả nhằm nâng cao năng lực và phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp, trên cơ sở báo cáo đánh giá thông tin thị trường; Tăng cường công tác khách hàng, gia tăng đối tác có chọn lọc để tăng khả năng tiếp cận thị trường trong mọi điều kiện, tránh tàu nằm chờ hàng; Lên phương án tìm kiếm và đào tạo nguồn lao động mới từ các công ty cung ứng thuyền viên khác…

Tổng Giám đốc Trịnh Hữu Lương - Thuyền trưởng hồi sinh “tàu ma” Vitranschart - Ảnh 3.

Hướng tới 50 năm hình thành và phát triển Công ty (1975-2025), Vitranschart cũng đặt mục tiêu xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê với diện tích 1000m2, dự kiến cao khoảng 10 -15 tầng

Hướng tới 50 năm hình thành và phát triển Công ty (1975-2025), Vitranschart cũng đặt mục tiêu xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê với diện tích 1000m2, dự kiến cao khoảng 10 -15 tầng tại địa chỉ 428 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, TP Hồ Chí Minh; đồng thời chuyển đổi tái cơ cấu, xây dựng mô hình cho 2 doanh nghiệp thành viên là Công ty TNHH Cung ứng thuyền viên SCC (Công ty SCCM) và Công ty TNHH Quản lý tàu biển Hải Đăng .

Ông Trịnh Hữu Lương chia sẻ: "Đối với công ty SCCM, chúng tôi sẽ tăng trưởng về xuất khẩu thuyền viên sang các thị trường như Nhật, Hàn với số lượng thuyền viên liên tục tăng những năm qua. Trong khi đó, với công ty quản lý tàu biển Hải Đăng, chúng tôi sẽ tiến hành mua tăng cường 1 tàu tải trọng 34.000 DWT để mở rộng năng lực vận tải... Vitranschart sẽ chuyển thành mô hình công ty mẹ thuần túy quản lý vốn đối với các công ty thành viên. Nói cách khác, Vitranschart muốn đi vào chuyên sâu, hình thành công ty con quản lý chuyên nghiệp từng lĩnh vực…".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước