Tốc độ cải tạo chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh rất chậm

VTV Digital-Thứ ba, ngày 14/11/2023 20:27 GMT+7

Một chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP Hồ Chí Minh ) đã thực hiện di dời cư dân. (Ảnh: PLO)

VTV.vn - Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh phấn đấu năm 2025 cải tạo được 246 chung cư cũ (cấp B, C), nhưng sắp hết năm 2023, chưa có chung cư nào được sửa chữa.

Tháng 11/2021, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định xác định sẽ bố trí khoảng 500 tỷ đồng từ ngân sách đến năm 2025 để hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C (66 chung cư cấp C, 180 chung cư cấp B) còn lại của giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2023, mọi thứ vẫn án binh bất động.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chính là do thành phố chưa bố trí được vốn để thực hiện. Một phần nguyên nhân do chỉnh trang và đô thị không nằm trong các chương trình đột phá, trọng điểm phát triển thành phố giai đoạn 2020 - 2025.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện chưa có đột phá trong chính sách cải tạo chung cư cũ. Vì vậy, nhiều khả năng không thể hoàn thành mục tiêu cải tạo chung cư cũ như kế hoạch đã đề ra.

Đầu tháng 11/2023, Sở Xây dựng thành phố đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND thành phố về nhu cầu kiểm định, sửa chữa chung cư cũ trên địa bàn. Cụ thể, có 349 chung cư (cấp B, C) cần sửa chữa với tổng mức đầu tư là gần 294 tỷ đồng. Trong đó, kiểm định 104 chung cư cần 12,8 tỷ đồng; sửa chữa 245 chung cư cần 280,8 tỷ đồng.

Sở Xây dựng cho rằng, trước mắt sẽ ưu tiên cải tạo sửa chữa 4 chung cư cũ đã lựa chọn được chủ đầu tư thông qua hội nghị nhà chung cư gồm: 23 Lý Tự Trọng (quận 1), 128 Hai Bà Trưng (quận 1), Nakyco (quận Tân Phú) và 6 Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4). Cụm 8 chung cư lô số Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu. 2 chung cư do Nhà nước thực hiện đầu tư xây dựng là chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) và 119B Tân Hòa Đông (quận 6).

Để công tác cải tạo chung cư cũ được triển khai tốt hơn, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét gỡ vướng một số vấn đề về pháp lý.

Đơn cử, hiện chưa có quy định cụ thể về việc công bố công khai niên hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình được xác định theo hồ sơ thiết kế trước khi đưa vào giao dịch và kết luận kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư đối với toàn bộ các nhà chung cư được kiểm định... khi hết niên hạn sử dụng.

Cùng với đó, cũng chưa xác định rõ trách nhiệm của chủ thể liên quan trong việc kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; cơ chế ưu đãi để khuyến khích chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án còn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, nên khó thu hút nhà đầu tư; trong khi áp lực cải tạo lại các chung cư cũ ngày càng tăng, nguồn lực nhà nước còn hạn chế…

Ngoài ra, Luật Nhà ở hiện tại chưa quy định cụ thể về các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nên dẫn đến nhiều vướng mắc và cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau... Nếu có quy định rõ ràng hơn, TP Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều đô thị lớn trên cả nước sẽ có công cụ pháp lý hữu hiệu để cải tạo chung cư cũ.

Sửa Luật Nhà ở, 'chung cư mini' phải đáp ứng tiêu chí gì? Sửa Luật Nhà ở, "chung cư mini" phải đáp ứng tiêu chí gì?

VTV.vn - Dự thảo Nhà ở (sửa đổi) quy định cụ thể các điều việc phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước