"Giải cứu" nông sản mùa dịch

Vấn đề hôm nay-Thứ ba, ngày 18/05/2021 06:09 GMT+7

VTV.vn - Mùa rộ của nông sản như xoài, vải nhãn đang đến, rau củ, hoa màu ngập đồng. Tuy nhiên, chỉ cần dịch bùng phát, lập tức tiêu thụ tắc nghẽn.

Thời điểm này mùa thu hoạch vải đang đến gần, đồng thời là các loại trái cây, rau củ khác của miền Bắc và Bắc Trung bộ cũng chuẩn bị rộ mùa, nhưng đây cũng là thời điểm dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều địa phương, việc tiêu thụ vận chuyển nông sản bị ảnh hưởng không nhỏ. Chắc nhiều người cũng chưa quên cánh đồng hoa bị bỏ tàn ở Mê Linh, rau củ quả chất đống trên đồng ở Hải Dương khi bị cách ly. Dịch bệnh đến, đầu ra do nông sản lập tức bị thắt lại, vận chuyển tiêu thụ đều khó khăn.

Giải cứu nông sản mùa dịch - Ảnh 1.

Nông sản mất đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh

Ba năm đầu tư trồng rau trong nhà lưới, chưa năm nào chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã rau Cuối Quý, Đan Phượng, Hà Nội thấy vất vả như năm nay.

Thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt, nhưng đến lúc chuẩn bị thu hoạch thì dịch bệnh ập đến, 16 trường học và 20 cửa hàng ăn uống trên địa bàn đóng cửa. Hàng tấn rau xanh chưa tìm được đầu ra, không bán được giờ chỉ đành mang đi cho.

Chị Cuối cho biết: "Không bán được nhổ bỏ thì phí mà mang đi cho cũng vẫn phải mất tiền thuê nhân công. Thực sự là chúng tôi quá khổ, 3-4 tháng trời làm lụng đến lúc hái quả thì như thế này. Mỗi ngày ít nhất là chúng tôi mất 4 triệu tiền rau".

Địa phương vào cuộc xử lý nông sản mùa dịch

Trên thực tế dịch bệnh xảy ra khó lường, nhiều địa phương chưa chủ động với các kịch bản ứng phó đối với dịch bệnh nên không xoay chuyển xử lý được vấn đề đầu ra cho nông sản. Còn ở các địa phương chủ động, việc tiêu thụ, thu hoạch bài bản hơn giảm thiểu thiệt hại cho người sản xuất và bước đầu giải được bài toán đầu ra cho nông dân.

Từ sau đợt dịch năm 2020, UBND huyện Đan Phượng, Hà Nội đã đầu tư cho vùng chuyên canh Hạ Mỗ kho lạnh để người dân mỗi khi không bán được hàng hay còn thừa nhiều rau củ sẽ mang đến gửi ở đây. Với dung tích hơn 50 khối, kho lạnh có thể chứa 4-5 tấn rau trong điều kiện dưới 5 độ C.

Anh Đàm Văn Hùng, xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội, cho biết: "Dịch bệnh thế này, hàng ngày, chúng tôi chỉ bán bằng nửa khi trước thôi. Chúng tôi mang về đây gửi để hôm sau bán tiếp được bao nhiều thì bán".

Kho lạnh cũng chỉ là giải pháp tình thế để hỗ trợ những lúc cấp bách, cần phải xây dựng các kênh tiêu thụ mới cho bà con mỗi khi dịch bệnh xẩy ra. Tại làng nghề làm đậu phụ Trúng Đích,  năm ngoái bà con giảm tiêu thụ đến 80% do dịch bệnh nhưng năm nay huyện đã tìm được đầu mối là những bếp ăn từ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thành khác.

Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, Hà Nội, nói: "Không thể thụ động như trước được, chúng ta cần chủ động hơn để tìm các thị trường mới. Chúng tôi đã xây dựng một trang web online nông sản đan phượng của huyện và trang này được rất nhiều địa phương cũng như các đầu mối biết đến. Bà con có thể tự vào đây đăng bán cũng như sử dụng Facebook để bán hàng. Việc làm này không thể hỗ trợ toàn bộ được nhưng ít ra sẽ giảm được ít nhất 40% lượng dư thừa".

Tìm giải pháp khơi thông đầu ra nông sản bao gồm nhiều giải pháp trong đó câu chuyện không chỉ là bán cho ai mà còn phải tính đến bán như thế nào để hiệu quả nhất, giảm tác động của dịch bệnh lên các hình thức tiêu thụ nông sản. Đây là cách mà một số địa phương đã sớm kích hoạt nhiều phương án mới trong tiêu thụ nông sản.

Tăng cường các hình thức tiêu thụ, phân phối nông sản mới

Giải cứu nông sản mùa dịch - Ảnh 2.

Vải Hải Dương đã lên 4 sàn thương mại điện tử. Ảnh: Dân trí

Vải Hải Dương đã lên 4 sàn thương mại điện tử. Người tiêu dùng đã có thể đặt mua về tận nhà. Ở một chỗ bán cả nước, quả vải Hải Dương giờ bớt đi nỗi lo dịch bệnh thì đổ đống như các nông sản khác trước đây. Trong ngày đầu tiên, trên 3 tạ quả vải đạt chuẩn xuất khẩu đã được sàn Lazada nhập bán. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa tỉnh Hải Dương và Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương từ hơn một tháng trước.

Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết: "Lazada dự kiến sẽ phân phối vải Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đảm bảo tươi ngon".

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nói: "Vải Hải Dương chính thức lên bốn sàn giao dịch trong nước, một sàn giao dịch quốc tế. Truy cập một cách nhanh chóng, hiệu ứng rất nhanh, lan tỏa một cách rất sâu rộng".

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: "Các tỉnh phải xây dựng được phương án để chủ động, trong đó có nhu cầu kết nối thông tin. Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao sẽ có nhiều thông tin đến các Đại sứ quán trong tình hình này để nắm thêm tình hình, quy mô sản xuất và quy mô tiêu thụ ở các nước có cái điều chỉnh chính sách".

Khó có thể để thị trường tự điều phối khi ở thời điểm giao thương bị đảo lộn do dịch bệnh. Thời điểm này cần có điều phối chủ động thậm chí cần có các kịch bản cho từng vùng sản xuất và ở đây không chỉ là việc của riêng ai mà câu chuyện tiêu thụ phải bắt đầu ngay từ khi sản xuất đến vận chuyển, đầu ra sản phẩm nông sản.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 17/5 với khách mời là ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước