Tiktok cần làm gì để tránh đi vào vết xe đổ của Huawei?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 11/07/2020 16:22 GMT+7

VTV.vn - Nếu Mỹ mạnh tay cấm Tiktok vì lo ngại về vấn đề riêng tư và rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đây được ví như là đòn chí mạng với mạng xã hội này.

Mặc dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng Tiktok lại là ứng dụng mạng xã hội có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Mỗi video trên nền tảng này chỉ dài 15 giây nhưng chúng lại có sức ảnh hưởng lớn. Chỉ trong 3 năm tồn tại, Tiktok đã giúp Bytedance, công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, đánh bại những tên tuổi lớn như YouTube trở thành ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất thế giới trong tháng 4 vừa qua. 

Hiện Tiktok có khoảng 2 tỷ lượt tải xuống, trong đó có 1 tỷ người sử dụng thường xuyên. Sức lan truyền mạnh mẽ của TikTok được bị nhiều quốc gia đặt dấu hỏi về việc kiểm soát dữ liệu cá nhân có giá trị, đặc biệt của giới trẻ và chính sách kiểm duyệt được cho là ủng hộ Bắc Kinh.

Vì vậy, sau khi căng thẳng chính trị với Trung Quốc gia tăng thời gian gần đây, Ấn Độ đã chính thức cấm TikTok hoạt động trên lãnh thổ của mình. Chưa dừng lại, Mỹ và Australia có thể sẽ tiếp tục đẩy TikTok tiến gần hơn đến bờ vực bị "khai tử"tại nước mình.

Tiktok cần làm gì để tránh đi vào vết xe đổ của Huawei? - Ảnh 1.

Thời gian qua, TikTok liên tục bị phản đối tại nhiều quốc gia, và còn bị Ấn Độ cấm cửa cùng 58 ứng dụng khác. Ảnh: Foreign Policy.

Nếu Mỹ mạnh tay cấm Tiktok vì lo ngại về vấn đề riêng tư và rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đây được ví như là đòn chí mạng với mạng xã hội này. Phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với anh Lê Minh, thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Thung lũng Silicon, Mỹ để cùng phân tích về câu chuyện này.

PV: Thưa anh Lê Minh, dư luận Mỹ nhận định như thế nào về khả năng chính quyền nước này thông qua lệnh cấm đối với Tiktok?

PV Lê Minh: Thực tế, từ cuối năm 2019, Ủy ban Đầu tư nước ngoài, một cơ quan liên ngành thuộc chính phủ Mỹ, đã bắt đầu điều tra ByteDance, công ty chủ quản Tiktok, theo yêu cầu của một số nghị sỹ Mỹ trước lo ngại Ticktok đe dọa an ninh quốc gia nước này.

Bản thân Tiktok cũng đã có những lỗ hổng khiến hacker có thể chiếm quyền kiểm soát tài khoản người dùng, truy cập dữ liệu riêng tư trên thiết bị cài đặt, gửi mã độc tới các ứng dụng khác, đồng thờithu thập dữ liệu người dùng. Đầu năm nay, Tiktok đã phải chi 5,7 triệu USD để dàn xếp 2 vụ kiện về vi phạm luật bảo vệ trẻ em.

Mới đây, cả Ngoại trưởng, Phó Tổng thống và Tổng thống Mỹ đã ám chỉ khả năng cấm các ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có Tiktok. Một dự thảo luật mới cũng đang được các nghị sỹ Mỹ bàn thảo để cấm nhân viên chính phủ sử dụng Tiktok. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã ban hành lệnh cấm tương tự.

Các chuyên gia nhận định là có vẻ như Tiktok đang đi vào vết xe đổ của Huawei. Bên cạnh mối quan ngại về an ninh, chính quyền Mỹ có thể sử dụng việc Tiktok vi phạm luật bảo vệ trẻ em,để cấm ứng dụng này. Mục tiêu sâu xa là để ngăn chặn ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc đối với vai trò độc tôn của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời đáp trả việc Trung Quốc cấm các ứng dụng của Mỹ. Vì thế, lệnh cấm này cũng phụ thuộc cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung.

Tiktok cần làm gì để tránh đi vào vết xe đổ của Huawei? - Ảnh 2.

TikTok gặp rắc rối tại nhiều quốc gia vì những lo ngại gián điệp, lấy cắp thông tin. Ảnh: Getty.

PV: Vậy để tránh đi vào vết xe đổ của Huawei, Tiktok đã và đang làm gì?

PV Lê Minh: Trước những lo ngại của chính phủ các nước về vấn đề an ninh quốc gia, ByteDance, công ty chủ quản Tiktok, đã khẳng định chưa bao giờ nhận được yêu cầu và sẽ không bao giờ cung cấp dữ liệu của mình cho chính phủ nước ngoài. Tiktok cũng khẳng định dữ liệu người dùng Mỹ lưu tại Mỹ và sao lưu ở Singapore. Tiktok cũng đã cam kết hợp tác với chính quyền các nước trong bảo mật thông tin và tuân thủ luật pháp sở tại.

Bản thân ByteDance, công ty chủ quản Tiktok, cũng đã và đang có những thay đổi để chứng minh sự độc lập của mình, cụ thể là âm thầm di chuyển các nhân sự chủ chốt ra khỏi Trung Quốc; xây dựng Ban lãnh đạo mới của Tiktok, mở rộng đội ngũ kỹ sư tại Mỹ; mời Kevin Mayer, người Mỹ, từ Walt Disney về làm Giám đốc điều hành Tiktok kiêm Giám đốc vận hành của Bytedance và mới đây nhất là rút khỏi Hong Kong (Trung Quốc), một động thái được cho là mang tính chiến lược.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những tuyên bố và thay đổi này chưa hẳn sẽ làm thay đổi hình ảnh của của Tiktok và công ty chủ quan Bytedance cũng như mối quan ngại của các chính phủ, nhất là Mỹ và phương Tây, về những nguy cơ tiềm ẩn của các công ty này trên bàn cờ chiến lược với sự đan xen giữa các yếu tố an ninh, chính trị, kinh tế - thương mại và khoa học công nghệ toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước