Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

VTV Digital-Thứ hai, ngày 17/07/2023 13:08 GMT+7

VTV.vn - Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân mới bằng VND đã giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022.

Trong nửa cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng nửa đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đã có hơn 11,2 nghìn khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trên 2.000 khách hàng được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, với dư nợ hơn 54 nghìn tỷ đồng. Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành liên tiếp, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm rõ rệt. Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-3,0%/năm tùy nhóm khách hàng, đối với các khoản vay mới và hiện đang nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm lãi cho các khoản vay hiện hữu.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Quân đội, cho biết: "Sau khi có chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã giảm lãi suất trong thời gian vừa qua. Các khoản cho vay mới có lãi suất tương đối thấp so với đầu năm. Cụ thể, lãi suất cho vay mới so với đầu năm đã giảm từ 2-2,5%, còn các khoản vay cũ lãi suất cao thì chúng tôi cũng tự động điều chỉnh giảm từ đầu tháng 7".

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, nói: "Trong thời điểm hiện nay, lãi suất huy động có xu hướng giảm nhanh, có cơ sở cho chúng tôi giảm lãi suất. Bên cạnh việc có một số gói ưu đãi cho khách hàng, chúng tôi cũng giảm thêm cho khách hàng hiện hữu, tuỳ đối tượng và sản phẩm, mức giảm sẽ từ 0,5% - 1%, có những phân khúc hoặc sản phẩm giảm 2%-3%. Mức lãi suất dễ chịu hơn thì sẽ tăng mức tiếp cận của khách hàng. Như vậy, khách hàng cũng thấy dễ dàng hơn trong việc tính toán phương án kinh doanh hiệu quả, họ sẽ mạnh dạn hơn khi vay vốn ngân hàng để thực hiện sản xuất kinh doanh".

Đánh giá cao những đóng góp của ngành ngân hàng trong 6 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh tới việc các ngân hàng cần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng có trọng tâm và có kiểm soát, kịp thời, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói: "Đối với hệ thống Ngân hàng Nhà nước, phải bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình dự báo chính xác đưa ra chính sách kịp thời, phù hợp hiệu quả, tăng cường giám sát kiểm tra. Thứ 2, đối với tổ chức tín dụng, phải đồng hành chia sẻ, cảm thông với khách hàng và người dân với doanh nghiệp. Đặt địa vị của mình vào địa vị của họ khi khó khăn. Đối với doanh nghiệp và người dân, phải nắm chắc pháp lí, hợp tác chặt chẽ với hệ thống ngân hàng, có độ tin cậy. Ngân hàng với người dân và doanh nghiệp thì phải hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro".

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đồng thời, rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp; Đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước