Dòng vốn chảy vào ngân hàng đang chậm lại, trong khi vốn đổ vào các kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo… lại tăng lên. Theo tờ Đầu tư, một phần nguyên nhân của sự chênh lệch này là do các ngân hàng chủ động điều chỉnh.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 19/3/2021, tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47%, gấp 2,16 lần so với cùng kỳ năm 2020, nhưng huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,54%
Tính đến 19/3/2021, tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47%, gấp 2,16 lần so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Mặc dù huy động vốn tăng chậm so với tín dụng, nhưng lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào, biểu hiện là mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định ở mức thấp.
Trong khi đó, các nhà băng cũng chủ động giảm tốc độ huy động vốn, nhằm tránh nguồn vốn dư thừa quá lớn. Hiện tại, tỷ lệ huy động/cho vay của ngân hàng vẫn đứng ở mức thấp (khoảng trên 70%; trong khi trước dịch bệnh, tỷ lệ này là trên 87%).
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để không bị động trước những biến động?
Phân tích trên tờ Thời báo kinh doanh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cần tăng cường và chủ động phòng tránh rủi ro thay vì hoàn toàn bị động trước những biến cố lớn về thị trường, như: dịch bệnh, logistics, giá nhiên liệu gia tăng…, ví dụ gần đây nhất là vụ tắc nghẽn kênh đào Suez.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn lại phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại TP Cần Thơ, với giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ, doanh nghiệp thủy sản như "cá nằm trên thớt", đặt được chuyến là mừng cho dù chưa biết giá cước là bao nhiêu, vì các hãng tàu báo giá rất trễ và hiệu lực chỉ từ 10 - 15 ngày.
Hoặc như việc hãng vận chuyển tàu biển quốc tế MSC cho biết, từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ, việc này sẽ làm tăng áp lực cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay.
Các doanh nghiệp Việt hiện nay cần tăng cường và chủ động phòng tránh rủi ro thay vì hoàn toàn bị động trước những biến cố lớn về thị trường. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Tác giả dẫn lời một chuyên gia kinh tế cho rằng, trước những biến động như trong thời gian qua, việc tìm ra các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt với các ngành hàng xuất khẩu hiện nay sẽ mang tính "sống còn". Các doanh nghiệp cần xác định rủi ro tiềm ẩn, phân loại, tiếp đến là xây dựng kế hoạch ứng phó và sau đó là tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp.
Đột biến vốn FDI mới vào các KCN tại TP Hồ Chí Minh
"Đột biến" là từ Thời báo kinh tế Sài Gòn dùng để diễn tả sự gia tăng dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh trong quý I năm nay, vì dòng vốn này đã tăng hơn 22 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 122 triệu USD.
Theo đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HEPZA), trong quý I chỉ có 3 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đều rót vốn vào lĩnh vực phát triển hạ tầng nhà xưởng cho thuê, có đăng ký pháp nhân đầu tư từ Australia và Singapore.
Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay khi quỹ đất sạch để sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không còn nhiều. Tuy nhiên, cũng theo HEPZA, việc tăng nguồn vốn FDI đột biến như vậy sẽ không mang tính bền vững để có thể điều chỉnh nâng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Trong khi đó, chính việc tăng vốn và mở rộng đầu tư của doanh nghiệp trong nước hiện nay mới là nhu cầu thực và mang tính bền vững hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!