Ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam đến nay vẫn còn rất khiêm tốn và hạn chế. Kết quả nổi bật được cho là đã sản xuất nội địa hoá được hàng trăm toa xe. Khi đề án đường sắt tốc độ cao được thực hiện, công nghệ được chuyển giao thích hợp, đây là thời điểm và cơ hội thích hợp để Việt Nam phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ cho đường sắt tốc độ cao.
Có tuổi đời trên 120 năm, nhà máy xe lửa Dĩ An - giờ đây là Công ty CP xe lửa Dĩ An được xem là nhà máy xe lửa cổ nhất Đông Dương. Với diện tích gần 17,3 ha bao gồm cả hệ thống nhà xưởng sửa chữa, đóng mới toa xe các loại, sản xuất phụ tùng sản phẩm cơ khí.
Từ năm 1977, toa xe thế hệ đầu tiên đã được ngành đường sắt Việt Nam sản xuất tại nhà máy xe lửa Dĩ An, Bình Dương. Đến năm 2016, toa xe chất lượng cao đầu tiên cũng được ra đời tại đây. Và từ đó đến nay, hàng trăm toa xe đã được ngành đường sắt Việt Nam sản xuất và đưa vào khai thác. Đây là minh chứng cụ thể nhất trong việc phát triển của ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam.
Ông Phạm Đức Vinh - Chủ tịch Công ty Cổ phần xe lửa Dĩ An, Bình Dương cho biết: "Về đào tạo học thuật, có thể đào tạo trong nước, gửi đi nước ngoài để có một nguồn lực tiếp cận với công nghệ của đường sắt tốc độ cao".
Hiện cả nước có 33 cơ sở, xí nghiệp sản xuất lắp ráp, bảo dưỡng sửa chữa. Từ đây, các đội tàu được đóng mới trong nước, với tỷ lệ nội địa hoá trên 80%, đang được khai thác dọc tuyến Bắc Nam.
Gần 10 năm qua, ngành đường sắt đã không phải nhập khẩu các đầu máy, toa xe từ nước ngoài về để khai thác và cũng đang xây dựng đề án, phấn đấu nâng cao tỷ lệ nội địa hoá từ 30% trở lên đối với các phương tiện, linh phụ kiện của đường sắt tốc độ cao.
Ông Hoàng Năng Khang - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta cần cơ chế chính sách về đặt hàng hoặc cơ chế về liên doanh liên kết các doanh nghiệp ở trong nước với nhau và các doanh nghiệp ở trong nước liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để chúng ta có thể chuyển giao công nghệ và tiếp nhận công nghệ, nâng cao dần tỷ lệ nội địa hoá".
Ông Trần Duy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhận định: "Chúng ta phải hướng tới sản xuất tại trong nước nhiều nhất và làm chủ được nó để chúng ta giảm chi phí đi và đặc biệt là ổn định trong khai thác lâu dài cũng như giảm chi phí trong khai thác lâu dài".
Trong đề án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, theo tính toán, riêng phương tiện, thiết bị của dự án đã lên tới 34,1 tỷ USD. Nếu được chuyển giao công nghệ, đây sẽ là thị trường rất lớn và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất đầu máy khi nhiều năm qua họ chưa có cơ hội để thể hiện mình. Và cũng là cơ hội để lan toả, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!