Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đòn bẩy phát triển công nghiệp đường sắt
Trong đề án về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một trong năm yếu tố cho thấy cần thiết phải sớm đầu tư dự án này, đó là sẽ tạo tiền đề, động lực phát triển các lĩnh vực công nghiệp đường sắt và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Bởi theo tính toán, riêng phương tiện, thiết bị của dự án đã lên tới 34,1 tỷ USD.
Nếu được chuyển giao công nghệ, đây sẽ là thị trường rất lớn và vô cùng hấp dẫn cho các doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất đầu máy, toa xe khi nhiều năm qua họ chưa có cơ hội để thể hiện mình.
Mặc dù suốt nhiều năm chưa có điều kiện để đầu tư thêm máy móc công nghệ, nhưng ngay khi có khách hàng nước ngoài đặt hàng, nhà máy xe lửa Gia Lâm đã đóng ngay được đoàn tàu khách 5 sao chỉ trong vòng gần một năm. Điểm mấu chốt là họ có người, có nghề và chỉ cần gặp được nhu cầu thì sẽ phát huy được khả năng của mình.
Ông Trịnh Văn Thăng - Giám đốc Công ty cổ phần xe lửa Gia Lâm cho biết: "Các nhà xưởng đã được Ba Lan để lại, xây dựng từ năm 80 tuy cũ nhưng thực tế nó rất rộng và đáp ứng được yêu cầu. Bây giờ, chúng tôi cần được sự đầu tư máy móc công nghệ mới và cơ bản là được chuyển giao công nghệ mới".
Giải quyết được hai khó khăn then chốt nhất là chuyển giao công nghệ và đầu tư máy móc thiết bị sẽ giúp họ tiến gần đến cơ hội phục vụ được đường sắt tốc độ cao. Bởi lẽ, về cơ sở vật chất sẵn có, nhiều thứ đã khá ăn khớp với loại tàu mới như đường dẫn khổ tiêu chuẩn 1435 hay các hệ thống dầm thép chịu tải chuyên cho đầu máy, toa xe nằm ngay trong các xưởng sản xuất.
Khu nhà xưởng này có diện tích lên tới 7.000 m2, là một trong bốn nhà xưởng lớn nhất tại nhà máy xe lửa Gia Lâm. Với quy mô và các trang thiết bị hiện nay, nhà xưởng này cùng lúc có thể sản xuất được 30 toa xe
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty cổ phần xe lửa Gia Lâm chia sẻ: "Sau này, nếu như được chuyển giao công nghệ thì chúng tôi sẽ có những tiếp nhận và rút ngắn thời gian tiếp cận và từng bước để sản xuất một số những phụ tùng, những sản phẩm trong phương tiện của đường sắt tốc độ cao".
Mỗi đoàn tàu tính sơ qua có đến khoảng 200.000 linh kiện. Còn thị trường phương tiện, thiết bị của đường sắt tốc độ cao lên đến hàng chục tỷ đô. Từng bước làm chủ và nội địa hoá về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện, thông tin tín hiệu, tự chủ toàn bộ vận hành, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế sẽ là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp đường sắt.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam nhận định: "Chúng ta cũng phải nghiên cứu dần, chuyển giao dần, tiếp quản dần công nghệ. Điều chính yếu nữa là chúng ta sẽ phải chủ động đề xuất những chính sách ưu đãi để hình thành và phát triển được một cơ khí công nghiệp, nền cơ khí công nghiệp của đường sắt".
Đường sắt tốc độ cao sẽ tạo đòn bẩy cho công nghiệp đường sắt, từ đó lan toả, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế.
Đường sắt tốc độ cao hỗ trợ phát triển kinh tế tại Trung Quốc
Trung Quốc hiện là quốc gia sở hữu mạng lưới đường sắt tốc độ cao lớn và tiên tiến bậc nhất thế giới, với hơn 46.000 km. Mạng lưới này hiện vẫn đang liên tục được mở rộng và nâng cấp, đã giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển, kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc.
Hồi đầu tháng này, tuyến đường sắt tốc độ cao nối liền hai Thành phố cảng lớn ở miền Đông Trung Quốc là Ôn Châu và Hàng Châu đã chính thức đi vào hoạt động. Tuyến đường sắt có 9 nhà ga, với chiều dài 276 km và tốc độ thiết kế là 350 km/giờ. Trong giai đoạn đầu, sẽ có 38 đoàn tàu di chuyển mỗi ngày, cả vào giờ thông thường và cao điểm.
Một hành khách đi tàu tâm sự: "Trước đây, tôi đi lại giữa Hàng Châu và Ôn Châu khoảng 1 - 2 lần/tuần. Sẽ phải mất 2 - 3 tiếng đồng hồ để lái xe, nhưng với đường sắt tốc độ cao, chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi. Với đường sắt tốc độ cao Hàng Châu - Ôn Châu, việc đi lại sẽ rất thuận tiện và chúng tôi có thể kinh doanh tốt hơn".
Tuyến đường sắt tốc độ cao mới sẽ cung cấp giải pháp vận chuyển nhanh chóng xuyên qua các trung tâm kinh tế Hàng Châu, Nghĩa Ô và Ôn Châu ở vùng đồng bằng châu thổ sông Trường Giang, vốn được biết đến là một trong những vùng kinh tế sôi động nhất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngành du lịch địa phương cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ tuyến đường này.
Ông Wang Lu - Kỹ sư cấp cao, Công ty xây dựng dự án trung tâm đường sắt Hàng Châu nêu ý kiến: "Sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ kết nối các vùng kinh tế đô thị quan trọng. Tuyến đường cũng đi qua một số khu vực danh lam thắng cảnh, chẳng hạn như sông Nam Tây và thung lũng Thần Tiên Cư. Điều này chắc chắn có tác động thúc đẩy đáng kể sự phát triển kinh tế của các địa phương dọc theo các tuyến đường".
Số liệu thống kê cho thấy, với các tuyến đường mới được đưa vào hoạt động, Trung Quốc hiện đã có hơn 46.000 km đường sắt tốc độ cao - chiếm khoảng 70% tổng số đường sắt tốc độ cao của thế giới. Mạng lưới đường sắt lớn và hiện đại bậc nhất này sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!