Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 17/05/2017 14:11 GMT+7

VTV.vn - Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề "Đồng hành cùng Doanh nghiệp", đã diễn ra tại Hà Nội và 63 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng nay (17/5), Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề "Đồng hành cùng Doanh nghiệp", đã diễn ra tại Hà Nội và 63 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc. Cùng dự Hội nghị còn có 4 Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM và nhiều thành viên Chính phủ.

Nếu như tại Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp cách đây đúng 1 năm 18 ngày chỉ có 500 lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự trực tiếp và lúc đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ được 22 ngày, còn hôm nay, số lượng đại biểu tham dự trực tiếp Hội nghị này lên đến hơn 2.000 đại biểu, gấp 4 lần năm ngoái. Tham dự Hội nghị qua trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50 - 100 người mỗi tỉnh. Ước tính tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu dự Hội nghị.

Trước cộng đồng doanh nghiệp tại cuộc gặp lần thứ 2 này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bùi ngùi nhớ lại không khí tại Hội nghị ở TP.HCM, hội nghị không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cho cả Chính phủ và chính quyền các địa phương, nhất là trong bối cảnh lúc đó, Chính phủ mới vừa thành lập, đang phải đối mặt với nhiều tồn tại, thách thức.

Do vậy tại cuộc gặp lần thứ 2 giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, Thủ tướng cần nhận được những ý kiến thẳng thắn của những người hàng ngày trải nghiệm và hiểu rõ môi trường cạnh tranh thú vị để tạo ra sự bứt phá trong phát triển doanh nghiệp thời gian tới.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn "kỷ lục". Từ đó, các Bộ đã thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, áp dụng visa điện tử, bãi bỏ thông tư về formaldehyde với dệt máy, bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng, bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo. Nhiều địa phương cũng đã lắng nghe doanh nghiệp và xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, xử lý thủ tục hành chính theo phương châm hết việc chứ không phải hết giờ. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Điển hình là những quy định về điều kiện kinh doanh.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng phản ánh chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao, đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4. Còn phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines nhưng chi phí ngầm còn đáng lo ngại hơn.

Từ kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, ngay trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ sẽ có cuộc họp để đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những kiến nghị của các doanh nghiệp.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước