Thu ngân sách vượt khó

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 11/08/2023 06:33 GMT+7

VTV.vn - Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2023 ước đạt 1,016 triệu tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán năm.

Trong bối cảnh năm nay nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Nhà nước lại liên tục có các chính sách về giảm thuế VAT 2%, giảm tiền thuê đất, giãn nộp thuế cho doanh nghiệp, người dân thì kết quả thu ngân sách trên là đáng ghi nhận. 

Thu ngân sách Nhà nước bao gồm 3 nguồn thu chính là dầu thô, xuất khẩu và nội địa. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt gần 36.000 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 140.000 tỷ đồng; thu nội địa ước đạt gần 840.000 tỷ đồng.

Trong tổng thu ngân sách nhà nước, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán thu nội địa) ước đạt 63,4% dự toán, tăng 2,7% so cùng kỳ. Kết quả trên cho thấy, thu nội địa, số thu đến từ sản xuất, kinh doanh có sự đóng góp ngày càng lớn trong tổng thu Ngân sách Nhà nước, cho thấy việc sản xuất, kinh doanh đang dần phục hồi.

Thu ngân sách vượt khó - Ảnh 1.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2023 ước đạt 1,016 triệu tỷ đồng

Một điểm nhấn tiếp theo là có 14/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá, trên 60% so với dự toán. Trong đó một số khoản thu lớn như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 67%; Khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 63,8%; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 60,7%; Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 63,3%...

Có 27/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt cao hơn 60% như: Hưng Yên, Quảng Ngãi, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, TP Hà Nội đạt tới gần 72% dự toán.

Một mũi tên trúng hai đích

Điểm nhấn trong 7 tháng đầu năm chính là số thu đến từ sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, ước đạt 63,4% dự toán. Điều này cho thấy những chính sách hỗ trợ về thuế cho người dân và doanh nghiệp của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả. Một mũi tên mà trúng hai đích, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp, để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, sau đó quay trở lại đóng góp vào Ngân sách.

Ghi nhận tại Công ty cổ phần Công nghệ cao Thái Minh, 7 tháng đầu năm nay doanh nghiệp dược phẩm này đã sử dụng 9 tỷ đồng tiền giãn nộp thuế chưa phải nộp ngay để đầu tư trang thiết bị máy móc, phục hồi việc sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy mà 4 tháng qua, doanh nghiệp đã kịp ra đời thêm nhiều sản phẩm mới. Doanh thu phục hồi đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có điều kiện để quay lại đóng thuế cho ngân sách Nhà nước khoảng hơn chục tỷ đồng trong thời gian tới."

"Thay vì 9 tỷ đồng đấy chúng tôi phải vay Ngân hàng thì chúng tôi đã tận dụng được và tiết kiệm được tiền lãi suất vay ngân hàng. Hiện nay tình hình sản xuất của công ty đã phục hồi khoảng 80% so với thời điểm dịch bệnh. Từ đấy công ty cũng có thêm lợi nhuận và thuế GTGT để đóng góp cho ngân sách Nhà nước", ông Đỗ Việt Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Thái Minh cho biết.

Thu ngân sách vượt khó - Ảnh 2.

Việc giảm, giãn, hoãn thuế giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh

Còn tại Công ty CP Tập đoàn Gia Định cũng tiết kiệm mỗi tháng 200 triệu đồng do được giảm thuế GTGT đầu vào 2%. Ngoài ra, còn được giảm tiền thuê đất, giãn thuế gần chục tỷ đồng để đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cho biết, đã tạm nộp thuế 6 tháng đầu năm hơn 3,5 tỷ đồng. Nửa cuối năm khi đơn hàng về nhiều hơn, tạm nộp thuế có thể lên 4 tỷ đồng.

"Trong thuế người ta có ví dụ rất là hay, cũng như vắt sữa, nếu chúng ta vắt kiệt đi thì lần sau rất khó để tạo ra dòng sữa mới nhưng nếu chúng ta bồi dưỡng nguồn thu, sữa vắt vừa phải tạo ra một cái cú hích để lần sau con bò tiết ra nhiều sữa hơn. Thuế cũng vậy, vòng một chúng ta giãn ra, có điều kiện để vòng hai thu thuế nhiều hơn", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế đánh giá.

Theo thống kê, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 7  là khoảng 109.000 tỷ đồng. Các chuyên gia đánh giá đây là một cú huých quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đẩy nhanh việc hoàn thuế 

Mặc dù thu ngân sách 7 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán. Nhưng dự báo những tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn. Do vậy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục thuế tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung cao vào cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Điển hình là nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo Công điện số 07 về thúc đẩy hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục thuế các địa phương chỉ đạo các Cục phó phải trực tiếp rà soát từng hồ sơ hoàn thuế còn vướng mắc của các doanh nghiệp.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết việc trực tiếp ra soát hồ sơ sẽ giúp có được những thông tin đầy đủ hơn, từ đó sẽ có những quyết định ban hành chính xác hơn, nhanh chóng hơn. Điều này sẽ giúp khắc phục trình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong công tác hoàn thuế GTGT. 

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu đối với hồ sơ đang được kiểm tra, xác minh mà đã quá thời hạn giải quyết theo quy định vẫn chưa phát hiện vi phạm thì phải hoàn thuế ngay theo quy định. Trường hợp sau khi hoàn thuế xong mới phát hiện doanh nghiệp vi phạm thì yêu cầu doanh nghiệp nộp lại số tiền được hoàn thừa và tiền chậm nộp. Doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi vi phạm của mình.

Thu ngân sách vượt khó - Ảnh 3.

Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp

Trước đó, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành nhiều công điện thúc đẩy quá trình hoàn thuế cho doanh nghiệp sau khi có Công điện 470 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp sau đó đã được cán bộ thuế "cầm tay chỉ việc", hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đầy đủ và nhận được tiền hoàn thuế.

7 tháng đầu năm 2023, Cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định, tương ứng số thuế đã hoàn  là 71.825 tỷ đồng. Ngành thuế phấn đấu đến hết tháng 9 năm nay, kết quả hoàn thuế GTGT đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, để đảm bảo thu ngân sách , ngành thuế cũng tăng cường công tác thanh kiểm tra, thu hồi nợ đọng thuế. Tăng cường chống thất thu qua thương mại điện tử.

Một tin vui là 7 tháng đầu năm nay, đã có 58 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, kê khai và nộp thuế 3.944 tỷ đồng, lớn hơn số thu của cả năm ngoái. Nâng tổng số thu từ ngày khai trương cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ 21/3 năm ngoái đến nay là 7.400 tỷ đồng. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước