Cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện số 03 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản. Liên quan tới hoạt động đấu giá đất, công điện nêu rõ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường tại số khu vực làm tăng mặt bằng giá đất, giá nhà ở, bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, phối hợp với các tỉnh, thành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xác định giá đất, ban hành bảng giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đấu giá quyền sử dụng đất; kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Tại Hà Nội, bảng giá đất mới đã chính thức được áp dụng từ ngày 20/12/2024 và được sử dụng cho hết năm nay, cao gấp 2 - 6 lần so với bảng giá cũ. Bảng giá mới có tác động mạnh tới nhiều hoạt động trên thị trường bất động sản, trong đó có đấu giá đất.
Tại huyện Sóc Sơn là nơi từng xảy ra phiên đấu giá bị một số đối tượng trả giá tới 30 tỷ đồng/m2, sau đó bỏ không đấu giá tiếp. Khác hẳn với cảnh tấp nập rao bán cách đây hơn 1 tháng trước khu đất đấu giá tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến những ngày này khá yên ắng. Các sàn giao dịch, văn phòng môi giới dựng "dã chiến" đều đã đóng cửa.
Với bảng giá đất mới tăng lên, tiền đặt cọc cũng tăng, nên nếu khách hàng đấu trúng mà không mua sẽ mất một khoản tiền khá lớn. Ảnh minh họa.
Do hành vi của nhóm đối tượng "phá" cuộc đấu giá vào cuối tháng 11 năm ngoái, 36 lô đất tại đây sẽ phải tổ chức đấu giá lại. Theo đại diện huyện Sóc Sơn, công tác định giá lại giá khởi điểm theo bảng giá đất mới đã được hoàn thành. Giá khởi điểm cũ, từ hơn 2,4 triệu đồng, lên thành hơn 9 triệu đồng/m2.
Theo bảng giá đất mới, giá khởi điểm tăng lên gần gấp 4 lần. Như vậy, tiền đặt cọc sẽ tăng lên và nếu khách hàng đấu trúng mà không mua, họ sẽ mất một khoản tiền khá lớn. Điều này được cho là sẽ hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá.
Giả sử với 1 lô đất diện tích 90m2, tiền cọc chiếm 20% giá khởi điểm. Nếu theo giá khởi điểm cũ, người đấu giá sẽ chỉ phải đặt cọc khoảng 44 triệu đồng. Nhưng nay, số tiền đặt cọc sẽ nâng lên khoảng 160 triệu. Với các lô đất có diện tích lớn, số tiền cọc còn tăng cao hơn nhiều.
Theo các ý kiến trên thị trường, giá khởi điểm thấp là nguyên nhân chính dẫn tới sự nhiễu loạn trong hoạt động đấu giá đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội nửa cuối năm 2024. Mỗi cuộc đấu giá có tới hàng trăm người tham gia đấu. Kết quả trúng cao kỷ lục, nhưng số lượng người bỏ cọc cũng tăng cao.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chô rằng: "Chúng ta cũng phải có các biện pháp xử lý mạnh các tổ chức thông đồng, móc ngoặc, xử lý hình sự để có tác dủng răn đe".
Không chỉ tác động tới hoạt động đấu giá, bảng giá đất mới, sát thị trường hơn cũng hỗ trợ tích cực cho việc đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án Nhà nước thu hồi đất. Ngoài ra, bảng giá đất điều chỉnh sẽ góp phần tăng thuế chuyển nhượng bất động sản, hạn chế việc mua bán nhà đất "2 giá", giúp thu được tiền thuế tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!