Thiếu nhà ở và nhập cư tăng mạnh cản trở tăng trưởng của nhiều nước

TTXVN-Thứ ba, ngày 07/05/2024 20:11 GMT+7

Nỗi lo ngại về khủng hoảng nhà ở ngày càng gia tăng

VTV.vn - Ở nhiều nước phát triển, lao động nhập cư- một trong những động lực đáng tin cậy nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- đang gặp khó khăn.

Làn sóng nhập cư tăng vọt

Trong nhiều thập kỷ, dòng người nhập cư ồ ạt đã giúp các quốc gia như Canada, Australia và Vương quốc Anh tránh được sự trì trệ về nhân khẩu do dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm. Tuy nhiên, điều này đang bị phá vỡ khi làn sóng nhập cư tăng vọt kể từ khi biên giới mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đối mặt trực tiếp với tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng để đáp ứng nhu cầu.

Canada và Australia đã tránh được suy thoái kể từ cuộc suy thoái COVID-19, nhưng người dân của họ thì không vì sự suy giảm nghiêm trọng thu nhập bình quân đầu người đang làm giảm mức sống của họ. Đợt suy thoái kinh tế của Anh vào năm ngoái có vẻ nhẹ nhàng về số liệu thô nhưng lại sâu sắc và kéo dài hơn khi đo trên cơ sở bình quân đầu người. Theo phân tích độc quyền của Bloomberg Economics, tổng cộng có 13 nền kinh tế trên khắp thế giới phát triển đã rơi vào suy thoái bình quân đầu người vào cuối năm ngoái. Mặc dù có những yếu tố khác - chẳng hạn như sự chuyển dịch sang các ngành dịch vụ ít năng suất hơn và thực tế là những người mới nhập cư thường có thu nhập thấp hơn - thì tình trạng thiếu nhà ở và căng thẳng về chi phí sinh hoạt vẫn là vấn đề chung.

Vậy mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào nhập cư có bị hủy hoại không? Câu trả lời là không hẳn. Ví dụ, ở Australia, dòng người nhập cư khoảng 1 triệu người, tương đương 3,7% dân số, kể từ tháng 6/2022 đã giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động kinh niên trong các ngành như dịch vụ lưu trú, chăm sóc người già và nông nghiệp. Và ở Anh, những người nhập cư đến từ Ukraine, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và các nơi khác đã bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động hậu Brexit.

Sự thiếu hụt kỹ năng trên khắp các nước phát triển có nghĩa là cần lực lượng lao động nhiều hơn. Thị trường việc làm và nền kinh tế Mỹ đang diễn biến nóng hơn so với dự đoán của nhiều người, vì dòng người nhập cư qua biên giới phía Nam đang mở rộng lực lượng lao động - ngay cả khi vấn đề nhập cư đang trở thành một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Mặc dù Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp, quy mô gia tăng thực sự lại nhỏ bé so với tốc độ gia tăng tương ứng của Canada. Năm 2023, cứ mỗi 1.000 cư dân thì quốc gia Bắc Mỹ này đã đưa vào 32 người nhập cư, so với mức tương ứng chưa đến 10 người ở Mỹ.

Nói cách khác, trong hai năm qua, 2,4 triệu người đã đến Canada, nhiều hơn cả dân số của bang New Mexico. Song Canada hầu như không xây thêm nhà ở đủ cho cư dân của thành phố Albuquerque, thủ phủ của bang này.

Bài học từ Canada cho thấy tăng trưởng dựa vào nhập cư có giới hạn: khi người mới đến vượt quá khả năng tiếp nhận của một quốc gia, mức sống sẽ giảm ngay cả khi các số liệu kinh tế hàng đầu tăng cao. Vì vậy, ngay cả khi mức tăng dân số kỷ lục duy trì sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của Canada, cuộc sống đang trở nên khó khăn hơn, đặc biệt đối với các thế hệ trẻ và đối với những người nhập cư.

Mặc dù lực lượng lao động ở Canada tăng thêm 1 triệu người trong năm qua, thị trường lao động chỉ tạo ra được 324.000 việc làm. Điều này dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 1 điểm phần trăm, trong đó người trẻ và người mới nhập cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thiếu nhà ở và nhập cư tăng mạnh cản trở tăng trưởng của nhiều nước - Ảnh 1.

Hàng triệu người Mỹ đang phải đối mặt với khủng hoảng về khả năng chi trả nhà ở

Khủng hoảng nhà ở

Trong khi hàng triệu người Mỹ cũng đang phải đối mặt với khủng hoảng về khả năng chi trả nhà ở, mức tăng thu nhập thực tế của họ vẫn tăng cao hơn mức tăng giá nhà trong suốt hai thập kỷ qua. Ở Canada thì ngược lại, giá nhà trung bình ở Toronto hiện là 1,3 triệu đôla Canada (CAD), gần gấp ba lần so với Chicago, một thành phố tương đương của Mỹ.

Việc thiếu hụt nhà xây mới và giá nhà tăng liên tục trong nhiều thập kỷ đã hút cạn nguồn lực từ các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Điều này, kết hợp với việc các công ty tập trung mở rộng lực lượng lao động do chi phí nhân công rẻ hơn, đã khiến năng suất lao động giảm xuống. Ngân hàng trung ương Canada cho biết năng suất lao động của nước này đang ở mức thấp đáng báo động.

Nỗi lo ngại về khủng hoảng nhà ở ngày càng gia tăng buộc Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau phải giảm bớt tham vọng nhập cư. Lần đầu tiên, Chính phủ Canada dừng tăng chỉ tiêu nhập cư và hạn chế số lượng lao động tạm thời. Mục tiêu hiện tại của Canada là cắt giảm 20% (khoảng 500.000 người) lao động nước ngoài tạm thời, sinh viên quốc tế và người xin tị nạn trong 3 năm tới. Điều này dự kiến sẽ giảm hơn một nửa tỷ lệ tăng dân số hàng năm, xuống mức trung bình 1% vào năm 2025 và 2026.

Cuộc sống ở Australia cũng không dễ dàng. Australia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở tồi tệ nhất trong lịch sử. Giấy phép xây dựng nhà chung cư và nhà phố đang ở mức thấp nhất trong 12 năm và vẫn còn tồn đọng khối lượng xây dựng đáng kể, chủ yếu do thiếu hụt lao động kỹ năng. Chính phủ đã cố gắng giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động bằng cách tăng số lượng người nhập cư, nhưng điều này lại khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Tương tự như Canada, sự gia tăng dân số đột biến không chỉ làm trầm trọng thêm nhu cầu về nhà ở mà còn che giấu những điểm yếu tiềm ẩn của nền kinh tế Australia. Mặc dù GDP của nước này đã tăng trưởng hàng quý kể từ cuộc suy thoái ngắn do COVID-19 gây ra vào năm 2020, nhưng trên bình quân đầu người, GDP đã giảm ba quý liên tiếp tính đến quý IV/2023 - mức giảm sâu nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế đầu những năm 1990.

Lo ngại về tình trạng thiếu nhà ở, giá thuê nhà tăng vọt và giá nhà tăng cao đã khiến Chính phủ Đảng Lao động cầm quyền của Thủ tướng Anthony Albanese siết chặt việc cấp thị thực sinh viên ở "xứ sở chuột túi". New Zealand, quốc gia láng giềng của Australia, cũng đang phải vật lộn với vấn đề tương tự. Tháng trước, Chính phủ nước này đã thực hiện những thay đổi ngay lập tức đối với chương trình thị thực làm việc, đưa ra yêu cầu về tiếng Anh và giảm thời gian lưu trú tối đa liên tục đối với một số vị trí việc làm có kỹ năng thấp hơn, với lý do "di cư ròng không bền vững". Bộ trưởng Di trú New Zealand Erica Stanford cho biết, những thay đổi này là một phần của kế hoạch "tạo ra một hệ thống nhập cư thông minh hơn" có tính "tự tài trợ, bền vững và quản lý rủi ro tốt hơn".

Ở châu Âu, nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức cũng chứng kiến suy thoái thu nhập bình quân đầu người trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng liên quan tới lượng lớn người xin tị nạn, thiếu nhà ở và nền kinh tế trì trệ. Phân tích của Bloomberg Economics cho thấy Pháp, Áo và Thụy Điển cũng nằm trong số những quốc gia phải chịu suy thoái thu nhập bình quân đầu người.

Tại Anh, mức độ di cư kỷ lục cũng bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế. Suy thoái kỹ thuật trong nửa cuối năm ngoái khiến GDP nước này giảm 0,4%, nhưng mức giảm này kéo dài và sâu hơn khi được điều chỉnh theo dân số. GDP bình quân đầu người tại Anh đã giảm 1,7% kể từ đầu năm 2022, giảm 6 trong số 7 quý và trì trệ trong quý còn lại.

Hệ thống nhập cư hậu Brexit của Vương quốc Anh nhằm ngăn chặn lao động giá rẻ từ châu Âu và ưu tiên lao động có kỹ năng cao. Tuy nhiên, Chính phủ cho phép một số lao động nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn nếu họ thuộc các ngành khan hiếm nhân lực. Áp lực ngày càng tăng lên tình trạng nhà ở và những dịch vụ công căng thẳng đang khiến các cử tri quay lưng lại với Chính phủ cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước