Thị trường trái phiếu bán tháo gây chấn động nền tài chính toàn cầu

Kate Trần-Thứ năm, ngày 09/01/2025 16:32 GMT+7

Các thị trường tài chính đều biến động mạnh. Ảnh: TL

VTV.vn - Đợt bán tháo mạnh trên thị trường trái phiếu chính phủ lớn nhất thế giới và đồng USD tiếp tục tăng giá đã gây chấn động khắp các thị trường tài chính.

Ngày 9/1, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD trong các giao dịch toàn cầu hàng ngày, đã tăng vọt lên trên 4,7%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2024.

Lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm và hiện các nhà phân tích đều cho hay không có lý do rõ ràng nào dẫn đến làn sóng bán tháo mạnh mới nhất.

Lợi suất trái phiếu Bund kỳ hạn 10 năm của Đức đạt mức cao nhất trong hơn 5 tháng giữa bối cảnh lạm phát khu vực đồng euro tăng tốc và nguồn cung trái phiếu tăng cao. Lợi suất, chuẩn mực của khu vực đồng euro đã tăng gần bốn điểm cơ bản lên 2,524% vào cuối ngày 8/1.

Lãi suất chuẩn 10 năm của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong hơn 13 năm là 1,185% trong phiên giao dịch buổi sáng tại châu Á vào sáng nay, 9/1.

Các động thái này đã tạo ra một làn sóng bán tháo mới đối với các loại tiền tệ so với đồng bạc xanh, đặc biệt là đồng bảng Anh. Đồng bảng Anh đã giảm hơn 1% trước khi phục hồi đôi chút. Còn đồng euro đang tiến gần hơn tới mốc 1 USD.

Chỉ số S&P 500, vốn đã tăng sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, gần đây đã bắt đầu chững lại, mặc dù đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, ngày 8/1 gần như đi ngang.

Trong cuộc họp báo tại Mar-a-Lago hôm 7/1, ông Trump đã lên án lãi suất cao của Hoa Kỳ mặc dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang trong chu kỳ nới lỏng. "Lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng và lãi suất thì quá cao", vị tổng thống đắc cử cho biết.

Ở một diễn biến khác, các ngân hàng trung ương gần như đã tuyên bố chiến thắng trước lạm phát vào năm 2024, nhưng một số số liệu cho thấy áp lực giá cả đang tăng trở lại.

Các kế hoạch của ông Trump về việc tăng thuế quan thương mại, cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao và gây căng thẳng cho tài chính chính phủ. Do đó cũng hạn chế phạm vi cắt giảm lãi suất của Fed.

Tuy nhiên, ông Chip Hughey, giám đốc điều hành thu nhập cố định tại Truist Advisory Services ở Richmond, Virginia nới vấn đề thực sự nằm ở thuật ngữ phí bảo hiểm khi đề cập đến khoản phí bảo hiểm mà các nhà đầu tư yêu cầu khi nắm giữ trái phiếu dài hạn. "85% mức tăng lợi suất mà chúng ta đã thấy kể từ giữa tháng 9 là do phí bảo hiểm kỳ hạn. Đó là sự phản ánh rằng sự không chắc chắn về chính sách tài khóa tiếp tục gia tăng khi chúng ta hướng đến chính quyền mới tuyên thệ nhậm chức", ông Chip Hughey phân tích.

Đồng thời, ông Hughey chỉ ra rằng mức phí bảo hiểm kỳ hạn hiện tại cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 54 điểm cơ bản, tăng so với mức âm 29 điểm cơ bản vào giữa tháng 9. Điều này có nghĩa là lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cao hơn 54 điểm cơ bản so với mức có thể biện minh được theo kỳ vọng về chính sách của Fed.

Trên toàn cầu, các chính phủ đều đang bận rộn khôi phục tình hình tài chính và củng cố nền kinh tế, đồng thời đẩy mạnh bán trái phiếu.

Lợi suất trái phiếu dài hạn, vốn ít bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn trong kỳ vọng về chính sách tiền tệ đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm trên toàn cầu, một phần là do làn sóng trái phiếu mới trong năm nay.

Thị trường trái phiếu châu Âu đang phải hấp thụ lượng phát hành lớn vào đầu năm, với việc Đức bán 5 tỷ euro trái phiếu Bund kỳ hạn 10 năm và Ý bán trái phiếu xanh kỳ hạn 10 năm và 20 năm mới thông qua hình thức hợp vốn.

Giám đốc bộ phận thu nhập cố định tại Laffer Tengler Investments ở Scottsdale, Arizona, Byron Anderson đã trích dẫn khoảng 14,6 nghìn tỷ USD nợ Kho bạc sẽ đáo hạn trong hai năm tới, điều này có nghĩa là có rất nhiều khoản nợ kéo dài quá một năm.

Các nhà giao dịch cho biết, chính quyền ông Trump sắp tới sẽ cần phải thay đổi trọng tâm hiện tại là dựa nhiều hơn vào nợ ngắn hạn.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm đã tăng 60 điểm cơ bản trong một tháng - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2023. Hiện tại, lợi suất này đã gần chạm mức 5% - mức hiếm khi thấy trong hai thập kỷ qua. Chính điều này đã đẩy mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm lên mức cao nhất trong gần 3 năm.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 30 năm đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1998 lên khoảng 5,4%, làm gia tăng lo ngại về tác động của chi phí đi vay cao hơn đối với tình hình tài chính vốn đã bấp bênh của chính phủ nước này.

Trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã đi theo hướng ngược lại và tăng giá, đẩy lợi suất xuống mức thấp kỷ lục khi nền kinh tế đình trệ và các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ giảm. Nhưng ngay cả đợt tăng giá đó cũng đã dừng lại vào ngày 9/1 với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 1,6%.../.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước