Đối với kim loại quý, giá bạc nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp, giảm hơn 4% xuống mức 29,41 USD/ounce. Đây cũng là lần đầu tiên giá bạc giảm xuống dưới mốc 30 USD/ounce kể từ giữa tháng 9. Giá bạch kim cũng giảm hơn 1% xuống mức 923,5 USD/ounce. Giá kim loại quý tiếp tục chịu áp lực bởi sức ép từ đồng USD mạnh lên và lo ngại lãi suất giảm chậm hơn.
Đồng USD đã bật tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy thái độ cứng rắn hơn trong tiến trình hạ lãi suất trong tương lai. Trong quyết định lãi suất công bố rạng sáng hôm qua, Fed đã điều chỉnh giảm dự báo quy mô hạ lãi suất trong năm tới, xuống còn 50 điểm cơ bản, tương đương hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất mục tiêu về 3,75 - 4%.
Quy mô cắt giảm này thấp hơn một nửa so với mức 100 điểm cơ bản được đưa ra trong cuộc họp tháng 9. Tới cuối năm 2026, lãi suất chính sách sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống mức 3,4%, cao hơn so với dự báo trước ở mức 2,75 - 3%. Hơn nữa, dự báo lạm phát năm 2025 đã tăng lên 2,5%, cao hơn so với ước tính trước đó là 2,1% và cao hơn nhiều so với mục tiêu ở mức 2% của Fed.
Kết thúc ngày giao dịch ngày 19/12, nhóm kim loại tiếp tục chịu áp lực bán mạnh do sức ép vĩ mô gia tăng. Ảnh minh họa.
Thái độ cứng rắn hơn này của Fed đã thúc đẩy đồng USD tăng mạnh. Thêm nữa, sức mạnh của đồng USD càng được củng cố sau khi Mỹ điều chỉnh tăng dữ liệu GDP quý III vào hôm qua. Cụ thể, theo số liệu chính thức do Cục Phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP quý III của nước này tăng 3,1% so với quý trước, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với số liệu sơ bộ.
Theo đó, đồng USD tiếp tục tăng mạnh. Sau khi tăng chạm đỉnh hai năm trong phiên trước đó, chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng thêm 0,35% trong phiên hôm qua, lên mức 108,41 điểm. Đồng USD mạnh lên làm gia tăng chi phí đầu tư trong khi lãi suất có nguy cơ giảm chậm lại đã khiến giá kim loại quý, mặt hàng nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ, tiếp tục giảm mạnh.
Đối với kim loại cơ bản, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên các mặt hàng trong nhóm, kéo giá tất cả mặt hàng đều suy yếu. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự sụt giảm gần 1% của giá kẽm LME về mức 2.967 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng một tháng gần đây. Bên cạnh sự mạnh lên của đồng USD, giá mặt hàng này cũng chịu áp lực trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu giảm từ lĩnh vực sản xuất và xây dựng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Kim loại lấy lại đà tăng VTV.vn - Cùng chung xu hướng tăng của thị trường, các mặt hàng chủ chốt của nhóm kim loại đồng loạt tăng giá trong phiên ngày hôm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!