Mỗi khi căng thẳng tại Trung Đông bùng phát, một câu hỏi thường hay được đặt ra là giá dầu và thị trường dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Vậy nhưng trong bối cảnh Iran và Israel đang cận kề bên bờ vực chiến tranh, một mặt hàng chiến lược khác được cho mới đang phải đối mặt với rủi ro hơn cả đó là khí đốt. Iran hiện là quốc gia nắm giữ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới cùng với Qatar. Trong khi Israel cũng là nhà xuất khẩu khí đốt lớn cho một số quốc gia láng giềng.
Giá dầu trong những ngày qua đang trong xu thế giảm, khi sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Đồng thời với đó, các nguồn tin cho hay Israel hiện không có kế hoạch tấn công trả đũa vào các cơ sở dầu và hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, nguồn cung khí đốt lúc này đây lại là mối lo hàng đầu.
Trang báo Arabian Gulf Business Insight có bài viết nhấn mạnh khí đốt hiện đang là mặt hàng đối mặt với nguy cơ cao nhất trong cuộc xung đột Iran - Israel. Trang báo này phân tích mặc dù có các nguồn tin không chính thức cho hay Chính phủ Israel hiện đang giới hạn những kế hoạch tấn công trả đũa của mình chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự của Iran, nhưng nguy cơ thì chưa thể loại trừ. Đặc biệt khi một số nhân vật cao cấp của Israel trước đó đã công khai đe dọa các cơ sở năng lượng của Tehran.
Ngay cả khi Israel không tấn công vào các cơ sở năng lượng của Iran, vẫn không thể loại trừ Iran hoặc một số lực lượng thân cận như Hezbollah hay Houthi sẽ tìm cơ hội tấn công vào các mỏ khí đốt của Israel. Israel đã phát hiện các mỏ khí đốt lớn từ năm 2009. Và một trong những mỏ khí đốt hàng đầu lại nằm ở rất gần biên giới với Lebanon.
Thị trường khí đốt hiện đang là mặt hàng đối mặt với nguy cơ cao nhất trong cuộc xung đột Iran - Israel. Ảnh minh họa.
Trang báo STRA-THE-IA chuyên phân tích các vấn đề thuộc Trung Đông, Nam Á nhìn nhận gót chân Asin lớn nhất của Israel hiện nằm ở việc nước này đang quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên, hiện đang là nguồn sản xuất của tới 70% tổng lượng điện năng cho Israel.
Không chỉ Iran có mỏ khí đốt, Israel cũng có khí đốt. Khí đốt có thể trở thành mục tiêu tấn công tiềm tàng của cả 2 bên. Nguy cơ vì thế có thể xem là tăng lên gấp đôi so với dầu mỏ. Hiện cả Iran và Israel đều không phải là những nhà xuất khẩu khí đốt lớn ra thế giới. Nhưng biến động từ nguồn cung khí đốt của 2 nước này nếu xảy ra, thì những tác động lan tỏa vẫn là không hề nhỏ.
Cũng bài viết trên báo Arabian Gulf Business Insight phân tích, so với dầu, công suất dự phòng của khí đốt nhỏ hơn nhiều. Tức trong bối cảnh hiện nay, nếu một sự gián đoạn nguồn cung khí đốt nữa xảy ra, sau những biến động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, thế giới hầu như sẽ không thể tìm ra nguồn cung khí đốt thay thế nào khác được nữa.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie cảnh báo, cho dù Iran hay Israel không phải là những nhà xuất khẩu khí đốt lớn của thế giới, nhưng căng thẳng Iran - Israel nếu leo thang thì có thể làm ảnh hưởng tới eo biển Hormuz. Đây chính là con đường xuất khẩu khí đốt huyết mạch - quốc gia hiện đang cung cấp tới 20% tổng lượng khí hóa lỏng LNG cho thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!