Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 với quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất đang được tổ chức tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức. Hàng trăm gian hàng của các tập đoàn, doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới đã có mặt tại sự kiện. Đây không chỉ là nơi kết nối, mà còn là khởi đầu cho những kế hoạch hợp tác dài hạn, khi các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng phát triển và lợi ích khi đồng hành cùng Việt Nam.
Ông Ding Ming Chee - Giám đốc kinh doanh khu vực ASEAN, Công ty Dassault Systemes cho biết: "Chúng tôi đã mở văn phòng đại diện ở Việt Nam từ năm 2022. Cùng với việc vừa kí thoả thuận hợp tác với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), chúng tôi mong muốn được tham gia sâu hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam. Bên cạnh đó là những lĩnh vực chúng tôi có thế mạnh như nhà máy thông minh, trung tâm dữ liệu…".
So với thời điểm cách đây 5 năm, khái niệm chip, vi mạch, bán dẫn đang được nhắc đến ngày càng nhiều. Đây cũng những công nghệ có thể giúp giúp Việt Nam vươn mình, bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Thị trường bán dẫn của Việt Nam vào năm 2028 dự kiến có quy mô 7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,69% mỗi năm. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 19 Hiệp định thương mại tự do. Đây là điểm mạnh để chúng ta tận dụng các ưu đãi, trở thành một trung tâm sản xuất chip bán dẫn nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.
Thị trường bán dẫn của Việt Nam vào năm 2028 dự kiến có quy mô 7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,69% mỗi năm. Con số này cho thấy, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển và đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Bà Mariam Sherman - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá: "Tôi cho rằng Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn. Điều quan trọng nhất hiện nay rất cần có những cú hích đủ mạnh về nhân lực, về cơ sở hạ tầng và cả về chính sách thu hút đầu tư".
Trong kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ đã đề xuất một số chính sách mới để thu hút đầu tư. Theo đó có đề xuất các dự án công nghệ cao như bán dẫn không phải xin giấy phép đầu tư mà chỉ cần đăng ký với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Đồng thời, không phải làm các thủ tục về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy mà chỉ cần cam kết thực hiện đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn có sẵn. Quy trình thủ tục được rút ngắn và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đa phần các doanh nghiệp khi đến với Việt Nam đều nhìn nhận nguồn nhân lực, lao động trẻ là lợi thế lớn nhất nhưng sẽ phải là những nhân sự được qua đào tạo. Trong hôm nay, Triển lãm bán dẫn Việt Nam 2024 vẫn tiếp tục diễn ra với các phiên thảo luận chuyên sâu liên quan đến chủ đề đào tạo nguồn nhân lực, cơ hội cho Việt Nam trong từng công đoạn của ngành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!