Thị phần thương mại điện tử đã thay đổi

VTV Digital-Thứ tư, ngày 13/11/2024 16:23 GMT+7

VTV.vn - Tính đến đầu tháng 10 vừa qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng rất tích cực.

Báo cáo toàn cảnh thị trường các sàn bán lẻ trực tuyến quý III và dự báo quý IV/ 2024 vừa được Nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric công bố cho thấy, tính đến đầu tháng 10 vừa qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng rất tích cực. Mức tăng 37,66% vượt xa tất cả các dự báo khoảng hồi đầu năm đưa ra là chỉ khoảng 25%. Tổng doanh số của thị trường này đạt hơn 227,7 nghìn tỷ đồng.

Con số 227.000 tỷ đồng là tương đương với khoản "Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu" của Ngân sách nhà nước lũy kế 10 tháng qua cũng vừa được Bộ Tài chính công bố ngày hôm qua. Nhưng điều đáng nói hơn về sự tăng trưởng này là thay đổi bất ngờ trong miếng bánh thị phần thương mại điện tử. Thị trường năm nay đã chứng kiến sự soán ngôi có tính đột phá của các sàn được coi là non trẻ nhất trong làng thương mại điện tử Việt Nam. Lý do của sự thay đổi thị phần này được cho là bởi quyết định chi tiêu của chính người tiêu dùng Việt Nam.

Dữ liệu từ Metric cho thấy, ngay trong nửa đầu năm, kịch bản phân chia thị phần đã bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng phân định. Shopee chiếm 67,9%. TikTok Shop chiếm 23,2% thị phần. Tiếp theo lần lượt là Lazada, Tiki.

Sự chú ý của giới chuyên môn tập trung vào trường hợp của Tiktok Shop khi sàn này thuộc hàng non trẻ nhất lại có cú bứt tốc bất ngờ, tăng trưởng trong quý III tới hơn 110% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần thương mại điện tử đã thay đổi - Ảnh 1.

Việc mua bán không chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu hàng hóa, mà còn là tiếp nhận thông tin, là trải nghiệm sản phẩm thông qua các câu chuyện từ nhà bán hàng…

Theo giới chuyên môn, người tiêu dùng đã gần như thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm khi tiếp cận đủ nhiều với các mạng xã hội, việc mua bán không chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu hàng hóa, mà còn là tiếp nhận thông tin, là trải nghiệm sản phẩm thông qua các câu chuyện từ nhà bán hàng… Chính các nhà bán hàng trên thương mại điện tử cũng thừa nhận, doanh số của họ tiến triển mạnh khi họ biết kể câu chuyện của mình.

Bà Phạm Thị Diệu Huyền - Công ty TNHH MộcTrully Huế, Thành phố Huế cho biết: “Làm ra sản phẩm đã đẹp, đã tốt, thì phải bán như thế nào và kể câu chuyện ra sao”.

Bà Lê Thị Kim Hằng - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Đối với sản phẩm truyền thống, chúng ta càng thực chất, càng truyền thống và thể hiện được những giá trị văn hóa của chúng ta, chúng ta lại càng dễ bán hàng hơn, càng dễ chạm đến những niềm tin của khách hàng”.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, tỉnh Gia Lai nêu ý kiến: “Xu thế hiện nay là thương mại điện tử, phù hợp cho những người nông dân Việt Nam. Người ta có thể bán tại vườn, có thể livestream bất cứ nơi đâu và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế họ đang làm mà những khách hàng ở Thành phố chưa biết những cảnh thực tế trên vườn của người nông dân”.

"Bán câu chuyện, không bán sản phẩm" dường như là bí quyết của những nhà bán hàng thành công trên các sàn thương mại điện tử hiện nay, kể cả với các KOL, KOC. Giới chuyên môn cho rằng, đối với người tiêu dùng đang thích thú và thích ứng tốt với xu hướng shoppertainment - mua sắm giải trí, việc thu hút họ bằng các quảng cáo thuần chào hàng là kém hiệu quả. Sẽ hấp dẫn hơn với cộng đồng khách hàng này là tiếp cận bằng các nội dung sinh động, ngắn gọn, tạo trải nghiệm chân thực. Tất nhiên, điều này chỉ phát huy tác dụng khi các sàn thương mại điện tử mặc định đã có nền tảng tốt về phương thức thanh toán, giao nhận vận chuyển, ưu đãi giá cả… Vì vậy, cuộc chạy đua các sàn dự báo vẫn còn rất nóng khi các sàn đều có các chính sách ưu đãi hỗ trợ trong dịp cuối năm, kể cả những sàn thương mại điện tử đã tăng trưởng đột phá vừa qua.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Tiktok Việt Nam nhận định: “Các khu vực ở vùng sâu vùng xa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt còn có một khó khăn nữa là họ bị đuối trong quá trình chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ hỗ trợ khoảng 100.000 lượt tiếp cận khách hàng cho mỗi doanh nghiệp, các bạn sẽ tạo ra một video, Tiktok sẽ hỗ trợ để lan tỏa giới thiệu sản phẩm dịch vụ thương hiệu Việt đến với người dùng trên cả nước”.

Vẫn là nội dung, vẫn là cạnh tranh bằng "content" theo cách nói của dân trong nghề. Xu hướng mua sắm hiện tại đang thay đổi, từ thụ động sang chủ động tìm kiếm thông tin qua video ngắn, trực tiếp. Sàn thương mại điện tử nào khai thác được điều này, vượt qua hình thức một cái "chợ ảo" truyền thống vốn thiếu đi sự tương tác trực tiếp, thì sàn đó sẽ phát triển. Ngay cả các sàn mới xuất hiện và cũng chưa được cấp phép ở Việt Nam như Temu, Shein… cũng đang hướng tới việc dùng các kênh quảng bá chéo như facebook để kể câu chuyện của mình theo các luồng sản phẩm được tung ra đầy dụng ý.

Theo dự báo của Metric, quý IV năm nay sẽ là giai đoạn quan trọng cho thương mại điện tử Việt Nam, với tổng doanh số dự kiến đạt 80.600 tỷ đồng và 870 triệu sản phẩm có thể được bán ra. Mức tăng trưởng doanh số có thể vẫn đạt tới 35% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cơ hội lớn cho các sàn thương mại điện tử tận dụng để đẩy mạnh doanh thu, gia tăng thị phần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước