Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút trên 27 tỷ USD vốn FDI. Trong đó chiếm phần lớn tổng vốn đầu tư đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động kinh doanh bất động sản… Theo đánh giá từ các đơn vị nghiên cứu, dòng vốn mới đã bật lên xu hướng sản xuất công nghệ, có giá trị cao. Điều này cũng đã đẩy nhu cầu một số sản phẩm bất động sản công nghiệp gia tăng.
Dòng vốn FDI gia tăng và sự phát triển của ngành thương mại điện tử đã kéo nhu cầu về nhà kho và mặt bằng công nghiệp xây sẵn tăng mạnh. Dữ liệu từ Savills Việt Nam cho thấy, trong năm nay, nguồn cung về nhà kho và nhà xưởng xây sẵn đã tăng 31%, với tỷ lệ lấp đầy vượt hơn 80% tại các khu vực trọng điểm.
Dòng vốn FDI gia tăng và sự phát triển của ngành thương mại điện tử đã kéo nhu cầu về nhà kho và mặt bằng công nghiệp xây sẵn tăng mạnh
Theo Savills Việt Nam, chi phí kho bãi vẫn giữ vững độ hấp dẫn, với giá thuê trung bình là 5,6 USD/m² đã thu hút các công ty dịch chuyển về Việt Nam. Và để đón nhu cầu này, các nhà phát triển khu công nghiệp đã nhanh chóng xây dựng được các cơ sở mặt bằng hiện đại, công nghệ cao, bao gồm cả giải pháp thân thiện với môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Đáng chú ý, dòng vốn đổ vào Việt Nam là kết quả nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển logistics, thông qua đầu tư vào các hình thức vận tải đa dạng và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, đường cao tốc… Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, định vị Việt Nam là địa điểm được ưu tiên cho các giải pháp công nghiệp hiệu quả, chi phí hợp lý.
Ông John Campbell - Giám đốc, Trưởng bộ phận Bất động sản Công Nghiệp Savills Việt Nam cho biết: "Vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, chính sách thương mại cởi mở và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ rất cần thiết cho nguồn cung và hiệu suất dài hạn của phân khúc kho bãi tại Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sản xuất mạnh mẽ đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Dòng vốn FDI đổ vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng đã góp phần đáng kể tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước".
Savills Việt Nam cũng nhận định, với gần 50% vốn FDI sản xuất mới hiện nay đến từ các sản phẩm có giá trị gia tăng như điện tử và thiết bị điện càng thể hiện rõ sự dịch chuyển lên chuỗi giá trị của Việt Nam. Với tiềm năng hiện hữu, Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt làn sóng đầu tư mới này và đóng vai trò then chốt trong tương lai ngành công nghiệp của Đông Nam Á, bao gồm các giải pháp công nghiệp và logistics tiên tiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!