Tháo gỡ vướng mắc trong việc khai thác lại các đường bay quốc tế thường lệ

TTXVN-Thứ sáu, ngày 07/01/2022 20:11 GMT+7

(Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

VTV.vn - Bộ GTVT đang yêu cầu các đơn vị chuyên môn tổng hợp, nghiên cứu các kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam để từ đó tham mưu Bộ báo cáo Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.

Theo kịch bản xây dựng việc khai thác lại các đường bay quốc tế thường lệ; trong đó giai đoạn 1 kéo dài từ ngày 1 - 15/1/2022 và hết giai đoạn này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đánh giá tổng kết, đề xuất các giải pháp thực hiện giai đoạn 2 (dự kiến sau ngày 15/1).

Về việc đàm phán với các nhà chức trách hàng không nước ngoài, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, thời gian qua đơn vị tiếp tục làm việc với các nhà chức trách hàng không của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc… trong việc khai thác lại các đường bay thường lệ đến, đi với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải do ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ký cho biết, 3 ngày đầu khôi phục các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam đã có 17 chuyến bay được thực hiện với 1.753 khách nhập cảnh Việt Nam thông qua 4 cảng hàng không quốc tế gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Các chuyến bay này được khai thác bởi 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines) và 7 hãng hàng không nước ngoài (Thai Vietjet của Thái Lan, Singapore Airlines của Singapore, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Starlux Airlines và China Airlines của Đài Loan (Trung Quốc), Emirates của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Asiana Airlines của Hàn Quốc.

Cùng với đó, ngày 31/12, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi nhà chức trách hàng không Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đồng ý đề xuất của đối tác về việc mỗi bên được phép khai thác chuyến bay chở khách với tần suất 5 chuyến/tuần/chiều (bổ sung 1 chuyến/tuần).

Tháo gỡ vướng mắc trong việc khai thác lại các đường bay quốc tế thường lệ - Ảnh 1.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất quy định về xét nghiệm SARS- CoV-2 trước chuyến bay theo thông lệ chung. Ảnh minh họa - Ảnh: PLO.

Ngày 4/1, nhà chức trách hàng không Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đã có văn bản chỉ định 3 hãng hàng không khai thác chuyến bay giữa Đài Bắc và Hà Nội/TP Hồ Chí Minh là China Airlines, Eva Air và Starlux Airlines.

Với Hàn Quốc, ngày 31/12, Cục Hàng không nước này đã có văn bản đồng ý đề nghị của Việt Nam về việc khai thác 4 chuyến/tuần cho mỗi bên để chở khách chiều từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, Hàn Quốc mong muốn tăng lên thành 6 chuyến/tuần.

Đối với chiều từ Việt Nam đi Hàn Quốc, nước này thông báo theo quy định về phòng dịch, Trung tâm kiểm soát bệnh tật - CDC Hàn Quốc đang hạn chế chuyến bay chở khách đến nên đề xuất chỉ cấp cho phía Việt Nam 2 chuyến/tuần, nhưng phía Hàn Quốc 21 chuyến/tuần.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sau khi khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ, theo phản ánh của các hãng hàng không trong nước và quốc tế đã phát sinh một số bất cập. Cụ thể, đại diện Vietjet Air cho hay, hiện quy định hành khách phải khai báo nhập cảnh trên IGOVN (phần mềm của Bộ Công an), khai báo theo dõi y tế trên PC-COVID và có thể địa phương lại yêu cầu khai báo trên trang của địa phương.

Trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh, địa phương này yêu cầu khai báo trên website www.antoan-covid.tphcm.gov.vn nên hành khách cũng gặp khó khăn khi phải khai báo trên nhiều ứng dụng. Do vậy, hãng đề nghị áp dụng một ứng dụng duy nhất để khai báo nhập cảnh, khai báo y tế.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện cũng phát sinh các quy định về test nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay, yêu cầu hãng hàng không thu phí test nhanh qua vé máy bay và hãng thực hiện thanh toán test nhanh với đơn vị y tế… cần được tháo gỡ.

Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất quy định về xét nghiệm SARS- CoV-2 trước chuyến bay theo thông lệ chung là chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR như các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng như Việt Nam đang áp dụng trong suốt thời gian qua, kể cả thời điểm xuất hiện biến chủng mới Delta.

Trong trường hợp vẫn duy trì test nhanh, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị thống nhất việc thu phí xét nghiệm nhanh tại sân bay sẽ thu phí trực tiếp từ hành khách và chỉ xét nghiệm 1 lần đối với tổ bay nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam để chờ chuyến bay tiếp theo về nước (xét nghiệm tại sân bay hoặc tại khách sạn cách ly).

Theo kế hoạch mở lại đường bay quốc tế thường lệ mà Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt trước đó, trước mắt việc khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ dự kiến được thí điểm trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 1/1/2022. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét mở rộng thêm trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm.

Trong giai đoạn 1 thí điểm tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Trung Hoa), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước